Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk "tuyên chiến" với Apple

Elon Musk cáo buộc Apple muốn gỡ Twitter khỏi cửa hàng ứng dụng App Store mà không nói rõ lý do. Đồng thời vị tỷ phú này cũng cho biết, nhà sản xuất iPhone đã ngừng quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Twitter.

Trong một loạt bài đăng trên trang Twitter cá nhân, Elon Musk cho rằng, Apple đang gây áp lực đối với Twitter liên quan tới các yêu cầu kiểm duyệt nội dung. Apple chưa trả lời ngay lập tức về thông tin trên.

Theo Reuters, nếu đây là sự thật, nó cũng không quá bất ngờ với Apple, một công ty thường xuyên thi hành các quy định của mình và từng loại bỏ các ứng dụng gây tranh cãi như Gab, Parler. Paler là ứng dụng phổ biến với những người bảo thủ tại Mỹ. App được Apple khôi phục vào năm 2021 sau khi cập nhật các quy định quản trị và nội dung.

“Apple gần như đã ngừng quảng cáo trên Twitter. Có phải họ ghét tự do ngôn luận ở Mỹ không”, Musk viết trên Twitter. Ông còn “tag” cả tài khoản của CEO Apple Tim Cook trong một tweet khác: “Điều gì đang xảy ra ở đây thế”?

Theo công ty đo lường quảng cáo Pathmatics, Apple đã chi khoảng 131.600 USD cho các quảng cáo trên Twitter từ ngày 10 - 16/11, giảm từ 220.800 USD trong khoảng 16 – 22/10, một tuần trước khi ông Musk đạt được thỏa thuận mua Twitter. Trong quý đầu tiên của năm 2022, Apple là nhà quảng cáo hàng đầu trên Twitter khi chi 48 triệu USD và chiếm hơn 4% tổng doanh thu của mạng xã hội trong giai đoạn này.

elon-musk-tu-tin-tuyen-bo-tesla-se-vuot-mat-apple-trong-tuong-lai-1669737065.png
Elon Musk cho hay, sẽ “làm một chiếc điện thoại thay thế”, cạnh tranh với iPhone và Android nếu Twitter bị hai hãng công nghệ xóa khỏi chợ ứng dụng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, tỷ phú Elon Musk cũng phàn nàn về khoản phí lên tới 30% mà "Trái táo cắn dở" áp lên các nhà phát triển phần mềm cho giao dịch mua hàng trong ứng dụng. Ông Musk thậm chí đăng một bức ảnh châm biếm (meme) cho thấy ông sẵn sàng "tuyên chiến" với Apple hơn là trả khoản tiền hoa hồng trên.

Khoản phí này cũng thu hút ý kiến chỉ trích và kiện tụng từ các công ty như nhà sản xuất trò chơi điện tử Epic Games, đồng thời khiến các cơ quan quản lý trên toàn cầu muốn siết chặt kiểm soát đối với Apple.

Giới quan sát cho rằng khoản phí hoa hồng có thể tác động tới nỗ lực tăng doanh thu cho Twitter, một phần để bù đắp cho "sự ra đi" của các nhà quảng cáo lớn do lo ngại về vấn đề kiểm duyệt nội dung.

Các công ty từ General Mills đến nhà sản xuất ô tô sang trọng Audi của Mỹ đã ngừng hoặc tạm dừng quảng cáo trên Twitter kể từ khi ông Musk tiếp quản Twitter từ cuối tháng 10. Đầu tháng 11 này, ông Musk cho biết Twitter đang chứng kiến sự sụt giảm doanh thu lớn khi quảng cáo chiếm khoảng 90% nguồn thu.

Trước đó ngày 28/11, Nhà Trắng cho biết đang theo dõi mạng xã hội Twitter của tân Giám đốc điều hành Musk về vấn đề tin sai, tin giả.

Khi được hỏi liệu Twitter có rơi vào tầm ngắm của nhà chức trách vì liên quan đến tin sai, tin giả hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định: "Đây là điều mà chúng tôi chắc chắn sẽ theo dõi". Bà Jean-Pierre cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội cần có trách nhiệm hành động khi phát hiện những tin sai, tin giả hay phát ngôn gây thù hận.

Cuối tuần qua, ông Musk thông báo số người đăng ký mới tài khoản Twitter đạt mức cao nhất từ trước đến nay, sau khi cho phép khôi phục nhiều tài khoản Twitter bị khóa trước đó. Tuy nhiên, nhiều nhà quảng cáo rời Twitter do lo ngại về vấn đề kiểm duyệt nội dung và phát ngôn gây thù hận.

Thi Nguyên (t/h)