Đến nay, tổng diện tích 590.614,18 ha rừng của 22/22 chủ rừng là tổ chức nhà nước đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững; 24.826,39 ha diện tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đồng thời, tỉnh Nghệ An không thực hiện khai thác gỗ rừng tự nhiên mà chỉ khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng khi có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nghệ An là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều sinh cảnh và các hệ sinh thái đặc sắc phân bố từ các vùng núi cao cho đến vùng biển khơi, đặc biệt Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An là Khu Dự trữ lớn nhất trên cạn Việt Nam với tổng diện tích 1.299.795 ha.
Bên cạnh đó, các thiệt hại về rừng cơ bản đã được các chủ rừng thực hiện các giải pháp phục hồi rừng sau cháy như: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung hoặc trồng mới trên diện tích rừng bị thiệt hại do cháy. Cơ quan kiểm lâm sở tại đã phối hợp với UBND các xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ rừng thực hiện việc phục hồi rừng sau cháy.
Trong thời gian qua, tất cả các loại giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo đúng tiêu chuẩn quy định, việc công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính được thực hiện theo đúng quy định. Hiện tỉnh đang triển khai Dự án Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ thuộc Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp.
Từ năm 2019 đến năm 2023, căn cứ hiện trạng tài nguyên rừng, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 380.000 ha, bình quân mỗi năm 76.000 ha. Tỉnh Nghệ An hiện nay đang hướng đến việc tạo chuỗi liên kết từ khâu tạo giống, trồng rừng đến khai thác, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa người trồng rừng với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp được triển khai trên địa bàn. Các đề tài, dự án, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực Điều tra, lập danh mục, bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm tại Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lâm nghiệp…/.