Từ chuyện nhập khẩu dao gọt khoai tây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi doanh nghiệp "đánh trống, khua chiêng"

Từ câu chuyện của 1 doanh nghiệp nói về chuyện dao gọt khoai tây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan liên tưởng tới thị trường khoa học, công nghệ: "Sản phẩm của chúng ta hôm nay, thì ngày mai có người làm tốt hơn thì sao?... Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được”.

Nội dung trên được chia sẻ tại "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân" do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.

hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-1-1720678295.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình”.

Câu chuyện dao gọt khoai tây và vấn đề quảng bá thương hiệu

Tại Diễn đàn, đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp ở Vĩnh Phúc, gửi lời tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan, về tâm thư của các công ty tham gia lĩnh vực chế biến nông sản.

Theo doanh nghiệp này, trong ngành nông nghiệp, rất rộng, có chăn nuôi, trồng trọt, thú y, chế biến... Có nhiều doanh nghiệp làm tốt các lĩnh vực, nhưng đặc biệt chúng tôi quan tâm tới chế biến nông sản. Không riêng ở Vĩnh Phúc, việc trồng trọt còn hạn chế, ruộng đất vụ đông còn bỏ rất nhiều. Đầu tàu để kéo ngành nông nghiệp lên là trồng trọt và chế biến. Doanh nghiệp chúng tôi nhỏ, doanh thu mỗi năm chỉ vài chục tỷ. Nhưng con số này với trồng trọt là rất nhiều sản phẩm.

Đơn cử như khoai tây, doanh nghiệp chúng tôi đang làm. Khoai tây hiện nay nhập khẩu bao nhiêu, Việt Nam trồng bao nhiêu. Điều đau lòng là khoai tây Việt Nam càng trồng càng lỗ. Vì chúng ta thiếu khâu chế biến, ví dụ như khoai tây cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ, thì 100% nhập với giá ít nhất 50.000 đồng/kg. Trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg. Nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây, mà chúng tôi tìm không ra suốt mấy tháng nay. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được?

Muốn làm được tầm cỡ Tập đoàn Đồng Giao, phải có công nghệ, phải có vốn, doanh nghiệp khác rất khó làm theo. Tôi nghĩ chúng ta cần làm ra sản phẩm được chế biến tốt, như ở Hàn Quốc, mang về là ăn được ngay, vì đã chế biến hết rồi.

Khoai tây cũng cần có mã số, như các mặt hàng khác. Mục tiêu của chúng ta là nông dân phải giàu, chứ không bỏ ruộng. Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến.

hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-2-1720678368.jpg
Gian trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ tại Diễn đàn.

Chia sẻ về vấn đề quảng bá thương hiệu sản phẩm khoa học công nghệ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Sản phẩm của chúng ta hôm nay, thì ngày mai có người làm tốt hơn thì sao? Nãy giờ tôi lướt web hàng loạt viện, không thấy viện nào đưa lên các sản phẩm. Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Con người hằng ngày bị chi phối bởi bao thông tin, tại sao chúng ta không làm truyền thông mạnh lên. “Tôi nhớ hồi nhỏ đi chợ ở miền Tây, cứ nghe loa đài, chiêng loảng xoảng, là biết người Hoa người ta đi chợ bán thuốc. Tâm lý con người mà, sẽ bị thu hút bởi các tiếng động, các âm thanh, hình ảnh”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp lưu ý các nhà khoa học về việc: “Mình nghĩ mình đam mê, mọi người cũng đam mê. Không phải vậy. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, con người ngày nay bị chi phối bởi vô số thông tin, nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, đến diễn đàn không phải phát biểu, mà là kết nối. Biết đâu mai kia các doanh nghiệp, các viện, các nhà khoa học lại cần đến nhau để hợp tác phát triển. “Thế giới này bao la lắm, trong phòng họp hôm nay, nhiều người có lẽ mới lần đầu gặp nhau. Không cần sở hữu trí tuệ, nguồn lực Nhà nước, hãy 'đánh trống, khua chiêng' lên, tự người ta sẽ đến, sẽ biết. Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác. Đừng chờ đợi, đừng bị động”.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nguyên tắc là Diễn đàn không có chỉ đạo, Hội nghị mới có chỉ đạo. “Nhà nước không có quyền năng tuyệt đối trong cơ chế thị trường. Chúng ta đang nhầm lẫn rất lớn”.

Dẫn chứng điều này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tới toàn bộ Diễn đàn bức ảnh do đích thân ông chụp một câu châm ngôn tại một viện nghiên cứu ở Bỉ: “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng dẫn chứng slogan của GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: “Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho nông dân tới đó”.

Điều quan trong không phải nghĩ những điều mình đang làm là tốt nhất mà phải luôn đặt câu hỏi: Có cách nào khác làm tốt hơn không? Nếu chúng ta nghĩ việc đó không khó thì có thể làm được. Nhưng nếu nghĩ nó khó thì vĩnh viễn không bao giờ làm được.

Cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”

Về tâm thư của doanh nghiệp nói về chuyện khoai tây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Tôi mà là phóng viên, tôi sẽ giật tít luôn. Nhà khoa học chúng ta nhiều mà không làm được cái dao gọt khoai tây”. Bộ trưởng lưu ý thêm về phân khúc thị trường: Người ta sản xuất cả triệu con dao, chúng ta làm vài ngàn con, thì có cạnh tranh nổi không? Mấy trăm năm người ta nghiên cứu, ví dụ như dao cạo râu Gillette, sao không có hãng khác vượt được.

Về câu chuyện sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, Tư lệnh ngành nông nghiệp dẫn câu chuyện bản quyền giống ST: “Anh Trần Mạnh Báo nói bỏ hàng chục tỷ mua bản quyền giống ST, chưa chắc đã được nếu nó vi phạm các quy chuẩn quốc tế. Sở hữu trí tuệ giữa hai doanh nghiệp với nhau, tòa án ở Mỹ đâu có mời ông Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam ra hỏi”.

hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-3-1720678404.jpg
Đại biểu chia sẻ về những khoa khăn của thị trường sản phẩm khoa học công nghệ.

Hướng giải quyết vấn đề, với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”. “Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại. Người không bán được hàng cũng tự đặt dấu hỏi, để phải cải tiến mà làm tốt hơn”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa.

Chúng ta phải nghĩ, phải làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ. Không có khoa học công nghệ là hỏng, là chúng ta tự mắc vào cái bẫy “ tự bằng lòng”. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không. Cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp.

Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”. Chúng ta phải thoát ra cái ý nghĩ “mình làm tốt nhất rồi”. Nghĩ thế là hỏng. Sản phẩm của chúng ta chưa phải là cuối cùng. Thế giới đã nghiên cứu đến chuyển đổi xanh, phát thải xanh,...

Tôi mong diễn đàn là dịp để ngồi với nhau nhìn về tương lai, tạo ra động lực. Chúng ta đã nghe GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nói về nghiên cứu sầu riêng, bơ, thậm chí là bơ phục vụ ăn lẩu bên Trung Quốc - dai và dày hơn bơ thường.

hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-4-1720678311.jpg
Với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”. (Ảnh minh họa)

Tôi đọc sách của Trung Quốc, thấy họ hằng tuần ngồi với nhau cùng uống trà, chia sẻ thông tin và hiểu nhau, tránh bức xúc về nhau. Tôi vẫn luôn lắng nghe các bức xúc liên quan đến ngành nông nghiệp, nhưng chúng ta cũng phải tự tìm cách giải thoát cho mình. Có nhà khoa học nói với tôi: “Chúng tôi làm sao biết thị trường như nào. Nhà nước cứ mua hết đi rồi bán chứ”.

Nói vậy là sai, chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Giống như vị mặn, vị ngọt trong nước thì con tôm, con cá cảm nhận được đầu tiên. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Vì sao? Vì thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp.

Hồi xưa khi làm Chủ tịch tỉnh, lúc giá lúa xuống, tôi nói Chánh văn phòng tổ chức một cuộc gặp với các doanh nghiệp. Mọi việc được giải quyết ngay. Một sản phẩm có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, thì sẽ dễ thuyết phục hơn nhiều. Nhiều khi doanh nghiệp kêu hãy giúp, nhưng hỏi giúp gì thì lại không trả lời rõ được. Tôi vẫn mong ký kết phải thực sự, tháng sau chúng ta lại phải ngồi với nhau xem ký kết có hiệu quả không. Phải có hiệu quả, đừng diễn. Gặp nhau để hoàn thiện sản phẩm, chứ không đơn thuần là buôn bán.

Đừng nghĩ chúng ta là nhà khoa học, rồi thì doanh nghiệp này nhỏ, doanh nghiệp kia siêu nhỏ, chúng ta không gặp. Không phải thế, chúng ta ngồi ở đây làm quốc sự, giúp cho nông dân và ngành nông nghiệp đi lên. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì.

Hôm trước, chị Thành Thực gửi cho tôi một cái bao tay, để cho phụ nữ cắt ớt. Tôi chợt nhớ đến ở quê tôi, mấy chị phụ nữ bấm ớt bằng tay phải có mấy xô nước để cạnh. Khoa học có những cái cao siêu, nhưng cũng có những cái nho nhỏ - song giúp ích cho hàng triệu phụ nữ. Một sản phẩm thế thôi, giúp cho biết bao người từ Lào Cai đến tận miền Nam.

Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về “giải pháp hữu ích”. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng./.

Trọng Bình