Trên đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh tại Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp do Hiệp Hội Khởi nghiệp Quốc gia đã tổ chức.
Ươm mầm và kết nối nguồn lực cho doanh nghiệp trẻ
Với mục tiêu tạo ra bệ phóng, nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng và kết nối nguồn lực để giúp các doanh nghiệp trẻ có thể xây dựng nền tảng vững chắc phát triển hơn trong tương lai, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam lựa chọn hướng đi điều chỉnh mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. "Nhân tố chính để thực hiện mục tiêu này là doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt trở thành động lực ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội", ông nói.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo, cách mạng công nghệ 4.0 với công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ xuất hiện những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới có tính ứng dụng vô cùng nhanh. Ông dẫn chứng, trước đây khó có thể hình dung chat GPT có thể viết luận văn thạc sĩ trong vòng một giờ đồng hồ hay các ứng dụng AI... điều này đặt ra cho doanh nghiệp Việt trách nhiệm ứng dụng khoa học, áp dụng tiến bộ công nghệ nhanh nhất.
Tại Lễ ra mắt, Tiến sỹ Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nhấn mạnh tinh thần khởi nghiệp đang phát triển một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhìn lại quá trình mười năm trước, nền kinh tế đón nhận trung bình mỗi năm khoảng 50.000-60.000 doanh nghiệp mới ra đời. Song sang đến năm 2023, con số này đã lên tới gần 200.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
“Điều này cho thấy khát khao trưởng thành, phát triển của những người khởi nghiệp tại Việt Nam,” ông Hòa chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho biết Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ đóng vai trò là “cây cầu” gắn kết để Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp, các nhà sáng lập doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, vận hành sản xuất-kinh doanh hiệu quả.
"Đây là sứ mệnh quan trọng của Hiệp hội và cũng là lý do để Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ra đời đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua thách thức, phát triển bền vững trong tương lai," ông Hoà nhấn mạnh.
Giáo sư, tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp cho biết Viện có nhiệm vụ tổ chức này tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao để nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, từ đó tư vấn, thực hiện các dịch vụ khoa học- công nghệ và hợp tác quốc tế về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.
Ra mắt báo cáo toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Tại sự kiện, Viện nghiên cứu Khởi nghiệp lần đầu tiên giới thiệu Báo cáo Khung chỉ số thúc đẩy Khởi nghiệp Quốc gia. Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn An Thịnh, trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khung chỉ số Khởi nghiệp Quốc gia có mục tiêu cung cấp “bức tranh” toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo xác định lợi thế so sánh của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới; Theo dõi và phân tích xu hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam theo thời gian; Xác định những ngành, lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng và có khả năng phát triển mạnh trong tương lai.
Trên cơ sở đó, báo cáo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mục đích khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và thu hút sự tham gia của các bên liên quan vào hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Thêm vào đó, báo cáo hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo quốc gia,” ông Thịnh nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn An Thịnh, báo cáo sẽ được công bố hàng năm, xác định lợi thế so sánh của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Bên cạnh thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, báo cáo góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
Báo cáo chỉ số gồm 5 phần, trong đó phân tích xu hướng cải cách và khởi nghiệp trên thế giới năm 2024 cùng bộ tiêu chí khởi nghiệp quốc gia. Các địa phương, ngành và lĩnh vực của năm cùng gương mặt khởi nghiệp cũng được giới thiệu.
Ông Thịnh cho biết thêm, báo cáo xác định 12 tiêu chuẩn, chia thành các tiêu chí khảo soát và tính toán chỉ số khởi nghiệp, dưới sự tư vấn của Hiệp hội và các chi hội quốc gia giám sát khởi nghiệp toàn cầu, Viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia độc lập từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc./.