Từ 15/8 các chương trình phát thanh truyền hình phải dãn nhãn mức phân loại và cảnh báo nội dung

Ngày 5/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành 2 Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-BTTTT và Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh truyền hình (PTTH) thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ PTTH có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2023.

Theo đó, các chương trình giải trí, thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm phải được phân loại và dán nhãn mức phân loại.

Cụ thể, về nguyên tắc biên tập phải bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác; những loại nội dung, tình huống, phải loại bỏ trong chương trình.

1-1688641180.png
Bộ TTTT quy định các chương trình giải trí, thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm phải được phân loại và dán nhãn mức phân loại

Trong Thông tư có hướng dẫn nguyên tắc biên tập đối với từng loại chương trình, gồm: chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau và chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện; các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến.

Đối với nguyên tắc phân loại chương trình, Thông tư đưa ra 7 tiêu chí phân loại chương trình, gồm: chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Trên cơ sở 7 tiêu chí, có 6 mức phân loại chương trình, gồm Loại P - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi; Loại K - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ, người giám hộ; Loại T13 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C - Chương trình không được phép phổ biến.

Đối với nguyên tắc cảnh báo, các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18; các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật, các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích, các chương trình truyền hình giả tưởng, dàn dựng lại từ vụ việc có thật thực tế; các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, các chương trình thể thao có tính bạo lực, nguy hiểm: đều phải thực hiện cảnh báo.

Ngoài ra, mỗi gia đình và các bậc cha mẹ cũng cần có trách nhiệm trong việc giám sát, định hướng, nâng cao nhận thức, giúp con em mình lựa chọn và tiếp cận những nội dung truyền hình phù hợp lứa tuổi.

Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH được chủ động trong việc tổ chức nguồn lực, quyết định phương thức phù hợp trong hoạt động biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung VOD là các chương trình thể thao, giải trí, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát được nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả và phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi, hạn chế được những tác động tiêu cực mà nội dung chương trình có thể gây ra cho xã hội và người nghe, người xem./.

Hoàng Hà- Anh Thư