Truy xuất nguồn gốc sản phẩm minh bạch góp phần nâng tầm thương hiệu và thuận lợi cho xuất khẩu

Truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đối với sản xuất, chế biến hàng hóa, nông sản là quá trình hết sức cần thiết hiện nay, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu hàng hóa. Hiểu rõ nguồn gốc, quản lý tốt quy trình của sản phẩm còn giúp các DN chống lại hàng giả, hàng nhái, tự bảo vệ thương hiệu và uy tín của chính mình.
truy-suat-nguon-goc-san-pham-3-1723249946.jpg
Nông sản phải có hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc của các thị trường xuất khẩu. (Ảnh Phan Hậu)

Từ ngày 28/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Trong đó quy định rõ, dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng tối thiểu 10 thông tin cơ bản.

Để phát huy lợi thế sản phẩm xuất khẩu Việt Nam

Đánh giá cao tiềm năng cũng như những lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Linh, nhà sáng lập Cộng đồng xúc tiến xuất khẩu Việt Nam (Easy Export) cho rằng, vị thế xuất khẩu của Việt Nam hiện đang đứng khá cao so với các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lợi thế, nhất là đầu vào nguyên liệu trong nước rẻ hơn so với thị trường quốc tế. Với những sản phẩm phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, do Việt Nam có khoảng cách địa lý rất gần nên chi phí quá trình này cũng giảm đáng kể.

Bên cạnh đó ở quá trình sản xuất, chi phí nhân công trong nước hiện nay vẫn đang ở mức khá rẻ, số lượng và chất lượng nguồn lực đồng đều, dồi dào cho các ngành sản xuất và chế biến. Riêng đối với các sản phẩm nông sản, là một quốc gia có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại nên dễ đáp ứng được nhu cầu từ nhiều thị trường.

“Mặc dù vậy, sản phẩm xuất khẩu được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố, trong đó phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu phải nhập khẩu. Cùng với đó, các chi phí cho sản xuất, dịch vụ bỏ ra để xuất khẩu sản phẩm như thuế hay các hoạt động về thương mại đi kèm như chi phí bán hàng, vận tải… Các DN xuất khẩu Việt Nam rất cần củng cố thông tin thị trường, quan tâm đầy đủ thông tin sản phẩm của mình để biết sẽ bán cho ai và bán như thế nào”, ông Linh cho biết.

truy-suat-nguon-goc-san-pham-1-1723250022.jpg
Các chuyên gia cho rằng, cần chuẩn hóa hệ thống truy xuất, để doanh nghiệp áp dụng thống nhất, cơ quan quản lý có thước đo chuẩn để đánh giá. (Ảnh minh họa)

Coi trọng vấn đề kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trong hoạt động xuất khẩu, ông Tạ Đức Trung, Trưởng Phòng Đào tạo, Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam cho rằng, chỉ khi DN cập nhật được mọi thông tin chuẩn chính xác từng khâu của quá trình sản xuất, từ đầu vào cho đến đầu ra, từ gieo trồng cho đến thu hoạch, đóng gói đưa sản phẩm vào kênh phân phối và đến tay người tiêu dùng đảm bảo minh bạch, chính xác 100% sẽ tạo ra giá trị cho sản phẩm, cho DN.

“Rất nhiều DN đã có sản phẩm bị làm giả, làm nhái dẫn đến khi bị mất cả thương hiệu. Do đó DN cần đề cao vai trò kiểm soát và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đó là cách làm trực tiếp để DN bảo vệ được thương hiệu, đẩy lùi vấn nạn hàng giả từ đó tăng thị phần trên thị trường, bảo vệ được lợi nhuận, bảo vệ được kênh phân phối của mình. Hơn nữa, minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ giúp tăng niềm tin cho khách hàng từ đó DN dễ bán hàng hơn”, ông Trung khẳng định.

Ứng dụng các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc (TXNG) để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm hàng hóa, ngày 19/1/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” (gọi tắt là Đề án).

Đề án cũng giúp nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về TXNG thông qua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và yêu cầu bắt buộc trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản, giúp quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối, đặc biệt giải quyết được vấn đề giả mạo chuỗi cung ứng sản phẩm. Vì vậy, cần thúc đẩy việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc một cách đúng hướng, toàn diện.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cần chuẩn hóa hệ thống truy xuất, để doanh nghiệp áp dụng thống nhất, cơ quan quản lý có thước đo chuẩn để đánh giá doanh nghiệp nào công khai, minh bạch, doanh nghiệp nào còn mập mờ, che giấu thông tin truy xuất. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp công tác quản lý truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả hơn.

truy-suat-nguon-goc-san-pham-2-1723250062.jpg
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa giúp tăng niềm tin cho khách hàng từ đó DN dễ bán hàng hơn. (Ảnh minh họa)

Ông Tạ Đức Trung cho biết thêm, với những giải pháp và công nghệ thông thường trước đây, tối đa chỉ đáp ứng được từ 6 - 8 tiêu chí cơ bản. Hiện nay, với giải pháp công nghệ TrueData mang tính toàn diện, kết hợp giữa thu thập dữ liệu tự động bằng chip (RFID) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cùng Blockchain đã có thể ghi nhận, lưu trữ và quản lý thông tin của sản phẩm kiểm soát được đường đi của sản phẩm hàng hóa.

“Thông qua giải pháp TrueData sẽ truy xuất rất đầy đủ thông tin, giúp cho sản phẩm xuất khẩu dễ dàng hơn. Các thị trường xuất khẩu quan trọng tính minh bạch, những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, mập mờ hay không xác minh được sẽ bị họ từ chối. Do đó, các DN cần lưu ý, tìm hiểu ứng dụng này để áp dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong quá trình dán tem chứng nhận hàng hóa”, ông Trung lưu ý.

Giải thích rõ hơn về nguyên lý của công nghệ TrueData, ông Nguyễn Đăng Thông, Phòng Hỗ trợ khách hàng, Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam cho biết, sau khi ứng dụng thu thập thông tin sẽ theo dõi hành trình của sản phẩm. Sản phẩm đi đến bất cứ đâu sẽ lưu lại dấu vết cũng như dữ liệu tại điểm đó nên  đường đi của sản phẩm song song với đường đi của dữ liệu.

“Khách hàng, nhà quản lý có thể kiểm tra được đường đi của sản phẩm, cập nhật các sản phẩm trên hệ thống rất nhanh chóng. Người tiêu dùng có thể kiểm tra được sản phẩm thật, giả từ quá trình hình thành sản phẩm và nhà chức trách dễ dàng có thể kiểm tra được hàng hóa lưu thông ngay từ trong kho của DN. Hoạt động này sẽ bảo vệ thương hiệu, giúp DN tiết kiệm được chi phí và cải thiện được chất lượng sản phẩm, từ đó nhà nước cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý thuế…”, ông Thông cho biết./.

Bình Nguyên