Truy suất nguồn gốc nông sản minh bạch trên đồng, yên tâm trong bếp

Truy suất nguồn gốc nông sản là một trong những tiêu chí quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số nông nghiệp. Thực hiệu hiệu quả việc truy suất giúp cho người tiêu dùng yên tâm khi nắm bắt được quá trình từ trồng trọt tới chế biến, giúp nông sản tạo niềm tin trên thị trường.
truy-suat-nguon-goc-nong-san-03-1704763138.jpg
Truy suất nguồn gốc nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn giúp người tiêu dùng yên tâm.

Truy suất nông sản để sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng an toàn

Truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa là một trong các nội dung quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Là trang trại trồng cây có múi quy mô, diện tích lớn tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), năm 2019, trang trại Minh Đông đã chủ động đăng ký mã số, mã vạch và dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cam của trang trại mình. Tem truy xuất nguồn gốc được gắn vào sản phẩm của trang trại khi bán ra thị trường, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã vạch ở mặt ngoài của tem sẽ rõ các nội dung như thời điểm xuống giống, quy trình chăm sóc và địa chỉ sản xuất…

Anh Nguyễn Đức Đông, người dân ở huyện Sóc Sơn cho biết, kể từ khi trên thị trường xuất hiện các sản phẩm có tem truy xuất, người mua hàng cảm thấy an tâm, bởi những sản phẩm nông sản, lương thực khi rõ nguồn gốc xuất xứ, người mua sẽ hoàn toàn tin tưởng, không lo sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

truy-suat-nguon-goc-nong-san-01-1704763247.jpg
Những vùng sản xuất rau an toàn đã bước đầu áp dụng quy trình truy suất nguồn gốc.

Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện nghiêm túc đối với 100% khách hàng nhập khẩu với sản lượng hơn 5.000 tấn các loại sản phẩm nông, thủy sản chế biến mỗi năm. Từ đó COFIDEC dần đạt được sự tín nhiệm và trung thành từ các khách hàng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng, cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng, song ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, thực tế, nhiều DN và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của ruy xuất nguồn gốc.

“Các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể”, ông Trung nhận xét.

Truy suất nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa bảo vệ người tiêu dùng

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là công cụ quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh sản phẩm giả mạo, đảm bảo được lợi thế cạnh tranh bình đẳng cho DN.

Theo ông Phạm Văn Thọ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV), thời gian qua, các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và là một trong các giải pháp giúp người tiêu dùng tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp.

Nhằm thực hiện xu hướng truy xuất nguồn gốc bằng giải pháp công nghệ chíp (RFID) góp phần nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi số, vừa chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, ACTIV đã hợp tác với Công ty TrueData phát triển giải pháp theo vết hàng hóa TrueData và tích hợp vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số. Thông qua đó, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể kiểm tra xuất xứ hàng hóa, chống hàng giả nhanh chóng, thuận tiện và đơn giản.

truy-suat-nguon-goc-nong-san-02-1704763126.jpg
Tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm.

Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực tế đã có từ lâu đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng bài bản các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào trong quy trình sản xuất sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được chất lượng, độ an toàn và cũng là công cụ truy vết, thu hồi sản phẩm cho doanh nghiệp khi gặp vấn đề lỗi sản phẩm đã cung cấp ra thị trường.

Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng sản phẩm đều có nhu cầu tìm hiểu những thông tin nguồn gốc sản phẩm đó như thế nào để phòng tránh trường hợp sử dụng phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng. Trước đây, với các tem, nhãn dán trên sản phẩm, thông tin rất giới hạn, không đầy đủ hoặc không chính xác. Ngày nay, các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc đã được phát triển rộng rãi để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh. Nhờ đó, sản phẩm trên thị trường được kiểm soát chất lượng minh bạch, người tiêu dùng có niềm tin với sản phẩm của doanh nghiệp.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc quy định về tem truy xuất nguồn gốc là cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc quản lý sản phẩm. Mỗi tem truy xuất nguồn gốc có một mã xác thực duy nhất. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua.

Riêng với DN, tem truy xuất nguồn gốc QRcode giúp chứng minh với khách về sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn…Qua đó, DN sẽ có được niềm tin của khách hàng, là yếu tố mà DN nào cũng mong muốn.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp DN đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ./.

Trọng Đạt