Trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ lúc ông còn sinh thời: Trở thành cây bút để bạn đọc tin cậy là rất khó!

Hơn nửa thế kỷ làm báo, cố nhà báo Hữu Thọ (1932- 2015) từng là phóng viên, rồi Tổng Biên tập báo Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư. Khi ông còn, phóng viên may mắn nhiều lần được mạn đàm với ông về nghề, về sự đời…
Nhà báo Hữu Thọ luôn muốn được lãnh đạo Đảng và nhà nước, đồng nghiệp… mọi người gọi mình là NHÀ BÁO, kể cả khi ông đương đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền. Ông từng được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam”.
nha-bao-huu-tho-1687180594.jpg
Nhà báo Hữu Thọ lúc sinh thời

Nhà báo Hữu Thọ từng tâm sự, viết về cái ác, lòng phải đầy thiện. Văn chương chữ nghĩa phải sống với đời bằng tình yêu mới bền. Người ta sinh ra ở trên đời rất dễ. Nhưng sống sao cho xứng đáng là rất khó. Để trở thành một cây viết được bạn đọc tin cậy là rất khó. Dưới đây là một cuộc phỏng vấn phóng viên từng thực hiện lúc nhà báo Hữu Thọ còn sinh thời:

Báo chí mang trong mình tiếng nói của nhân dân

Hiện nay, báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, của nhà nước mà còn là diễn đàn của nhân dân. Ông thấy thực chất của việc này đến đâu, thưa ông?

Giờ đây, kể cả lãnh đạo quốc gia coi trọng không phải vì bản thân những người làm báo, mà vì báo chí mang trong mình tiếng nói của nhân dân, mang được tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của cuộc sống vào trong bài viết. Phóng viên là người "viết sử" thời đại hàng ngày. Với người làm báo điện tử thì phải "viết sử" hàng giờ. Báo chí phản ánh, đánh giá những sự kiện hàng ngày. Cho nên độc giả cũng được đánh giá sự kiện hàng giờ, hàng ngày.

Tiên phong chống tham nhũng

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, chính báo chí hiện nay là đội ngũ tiên phong trong việc đấu tranh chống tham nhũng, thưa ông?

Hàng loạt các vụ án tiêu cực được lôi ra ánh sáng bởi những nhà báo. Từ những băng nhóm xã hội đen, hay “quan tham”. Thế nên nhiệm vụ của các nhà báo là phải tích cực tham gia đấu tranh và phải đấu tranh đến cùng. Nhưng đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi những kẻ tiêu cực, thậm chí những tổ chức mafia nào cũng cần dựa vào 3 đối tượng trong xã hội: Một là những người trong bộ máy quản lý nhà nước, trong các bộ máy công quyền. Hai là những người trong bộ máy pháp luật, để hy vọng bảo vệ cho chúng về mặt luật pháp. Ba là hy vọng bảo vệ cho chúng về mặt công luận. Cho nên, có thể thấy rằng, nhà báo là đích ngắm của thế lực tiêu cực. Chúng cần nhà báo để bảo vệ cho chúng.

Quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư theo tôi vừa không chính xác vừa dễ gây ảo tưởng cho những người làm báo. Thực tế, báo chí không thể... ra lệnh cho ai được. Nói thế này thì đúng hơn: Báo chí là một thế lực tạo ra dư luận xã hội, khởi đầu cho những hành vi của đám đông, từ đó dẫn đến những tác động mạnh mẽ trong xã hội, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ lúc sinh thời.

Nhà báo cần phải biết tự bảo vệ mình, bằng cách làm đúng luật

Nhưng muốn dùng sức mạnh thông tin trung thực, kịp thời của mình để góp phần kiểm soát xã hội, ông có thấy nhiều khi nhà báo cũng đặt mình vào tình thế “nguy hiểm”?

Đây là điểm rất quan trọng. Các nhà báo cũng cần phải biết tự bảo vệ mình, bằng cách làm đúng luật. Xã hội đang ngày một phát triển, tiến tới một xã hội dân chủ. Nếu nhà báo không biết cách bảo vệ mình, thì không có ai bảo vệ thay được. Hiểu được bản chất điều đó, chúng ta phải biết cách giữ mình. Nhà báo phải biết cách tìm thông tin nhanh, đảm bảo tính chính xác, vì những kẻ tham nhũng rất sợ sự công khai. Sự công khai sẽ trở nên sức ép ghê gớm đối với cơ quan điều tra. Đó là sức ép của dư luận đòi hỏi được biết thông tin chính xác.

Và như thế, nó buộc các cơ quan chức năng, các cơ quan điều tra không được chần chừ. Lúc này, báo chí đã trở thành người đại diện cho công luận lên tiếng, tạo điều kiện để thúc đẩy tiến trình xử lý vụ án. Nhưng tôi cần nhấn mạnh: Nhanh nhưng phải đúng, không được khen hay chê vì động cơ cá nhân không chân chính của mình trong việc xử lý thông tin.

nghe-bao-1687180613.jpg
Nhà báo gặp nhiều khó khăn nhưng tuyệt nhiên không được bẻ cong ngòi bút.

Nhà báo gặp nhiều khó khăn nhưng tuyệt nhiên không được bẻ cong ngòi bút

Có người cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, có thể nói để trở thành nhà báo trung thực đối với không ít người viết nó có vẻ rất khó. Quan điểm của ông về vần đề này ra sao?

Người ta sinh ra ở trên đời rất dễ. Nhưng sống sao cho xứng đáng là rất khó. Nhà báo chân chính, để trở thành một cây viết được bạn đọc tin cậy rất khó. Một tờ báo uy tín phải có những cây bút đáng tin cậy. Cũng như cả một rạp tuồng mà không có kép chính, đào chính thì không thể diễn được. Nhưng ai cũng đòi làm kép chính, đào chính thì lại không được. Mỗi nhà báo hãy trung thực với chính ngòi bút của mình. Dù đời sống của nhà báo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn nhưng tuyệt nhiên không được bẻ cong ngòi bút. Khi nhà báo đã không còn được bạn đọc tin cậy thì nên chuyển sang nghề khác. Dù nghèo, bán gì thì bán, chớ bán ngòi bút. Trong nghề buôn, đừng nên đi buôn chữ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Minh Tuấn (thực hiện)