Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du (Kỳ 9): Vĩnh biệt đóa hoa vô thường

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
hinh-anh-co-nhac-si-trinh-cong-son-tren-trang-chu-google-viet-nam-2-0940-3508-1653290997.jpg
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẩu chuyện có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du" nhằm cung cấp thêm thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

***

Kỳ 9: Vĩnh biệt đóa hoa vô thường...

"Tìm em tôi

tìm mình hạc xương mai

Tìm trên non ngàn

một cành hoa khôi

Nụ cười mong manh,

một hồn yếu đuối

Một bờ môi thơm,

một hồn giấy mới…"

Tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi vào chốn vĩnh hằng đã làm cho hàng triệu người thẫn thờ, sửng sốt; không ai tin đó là sự thật. Để rồi, chuyện ấy không còn là "ngày Cá tháng Tư" để được nói dối nữa. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thực sự đi vào cõi vô cùng – như một cuộc rong chơi với định mệnh.

Đã có hàng ngàn bài báo viết về ông với biết bao tấm lòng ngưỡng mộ, ngợi ca. Những kỷ niệm về ông được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt một thời gian dài sau ngày ông qua đời. Ông đã trở thành một con người của muôn triệu con người; là một nghệ sĩ tài hoa, một ngôi sao sáng của nền âm nhạc Việt Nam. Và trước hết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một con người sâu sắc, ông đã sống vì nỗi đau của thân phận con người và sự hứng khởi của tình yêu muôn thuở. Âm nhạc của ông là tiếng lòng, sự thổn thức của con tim tìm đến với cuộc đời, sống giữa cuộc đời, hòa cùng với cõi trần gian này....

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, hiện sinh sống tại TP.HCM, vừa là bạn ấu thơ, bạn học, vừa là người có mặt trong suốt những năm tháng đi biểu diễn cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong vai trò bầu show, MC, kể lại: "Những ngày cuối đời của Trịnh Công Sơn, tôi có một lần thăm Sơn ở bệnh viện Chợ Rẫy, bấy giờ anh Sơn vào cấp cứu mà họ không cho ai vào hết, thì tôi vào. Trước đó tưởng là đi rồi đó, nhưng mà có một bạn quen làm bác sĩ ở đó cho mình mượn cái áo blue rồi mình vào. Lúc bấy giờ, Sơn nắm tay mình như không muốn rời ra, Sơn biết bạn mình đến thăm. Sau đó thì ổng khỏe rồi ổng về nhà... Bệnh của Sơn kéo dài, bị gan rồi cấm uống rượu, từ rượu mạnh chuyển qua uống vang. Sau thì người ta cấm vang, nên bạn bè lén lút uống cùng vì ông này mà không uống rượu thì tội nghiệp ổng lắm. Ví dụ như vào phòng trà kêu mấy chai vang để dưới bàn rồi thỉnh thoảng rót vậy, chứ ở nhà bấy giờ là tuyệt đối không rồi. Bệnh nó không đột ngột mà kéo dài hàng tháng, hàng năm, nên Sơn cũng biết tất cả mọi chuyện hết rồi".

Rất nhiều thế hệ đã hát nhạc Trịnh Công Sơn. Mỗi thế hệ tìm đến cho mình ca khúc, ca từ, giai điệu… đồng cảm trong các ca khúc của ông. Công chúng đã thuộc lòng những ca từ của ông, như những lời rao giảng trong Thánh đường, trong ngôi chùa cổ kính với những chiêm nghiệm tự thân không còn là của riêng mình nữa, nó đã trở thành của nhân loại: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, đời gọi em biết bao lần, hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…và hàng ngàn ca từ của Trịnh cứ len lỏi vào tâm khảm của mỗi con người, của mỗi con tim, thân phận của chúng ta một cách nhẹ nhàng, êm ái, gần gũi…

Ông Nguyễn Thanh Ty, bạn học ở trường Sư phạm Qui Nhơn, rồi cùng chung nhà trọ, cùng dạy học ở Bảo Lộc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ năm 1964 đến năm 1967, kể lại: "Khi nghe Trịnh Công Sơn mất, tôi rất bàng hoàng. Trịnh Công Sơn mới 61 tuổi thôi, Trịnh Công Sơn hơn tôi một tuổi. Rất bàng hoàng. Những bạn bè của tôi cũng bàng hoàng".

Ông Ty nói vui, khi ông định cư ở nước ngoài thì được anh em tôn lên chức Chủ tịch Hội Ve chai! Chiều thứ bảy thì bạn bè hay tụ lại ngôi nhà ông thuê. Mỗi lần như vậy, họ hay yêu cầu ông kể về những kỷ niệm với Trịnh Công Sơn. Ông Ty hay kể chuyện đời thường của Trịnh Công Sơn, các bạn nghe rất thích. Đó là  chuyện đi đánh bi da, chuyện đánh bài... Khi Trịnh Công Sơn chết thì anh em bảo ông phải viết lại tất cả những câu chuyện mà anh kể cho anh em nghe, nếu không rồi những chuyện này không ai viết.

Ông Ty kể lại: "Đêm hôm đó, tôi ngồi bắt đầu viết, chưa đầy một tháng rưỡi tôi hoàn thành tác phẩm. Rồi ngồi nhớ lại tất cả những người tôi ghi trong đó, đánh máy liên hồi, mà hồi đó tôi mua cái máy tính về viết. Tôi mổ cò, đâu có đánh mười ngón đâu, mỗi ngày tôi viết đến 2 giờ sáng. Hồi đó tôi có một cái siêu thị mini. Buổi sáng tôi bán, buổi chiều bà vợ tôi bán, chiều cơm nước xong bắt đầu tôi vô bàn tôi gõ đến hai giờ sáng để hoàn thành cho xong tất cả những câu chuyện về Trịnh Công Sơn, như cái gì đó nó cứ trào lên, trào lên giống như mình phải hứng cho nó kịp chứ không nó mất đi. Rất là nhiều, đêm đêm ngủ sực nhớ lại mở mắt ra gõ tiếp, không ai ngờ là làm cái cuốn đó chỉ chừng một tháng rưỡi".

Khi được tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, đã có biết bao người thầm khóc, thầm nhớ đến ông. Ở Đà Lạt, người ta đi tìm đọc các số báo, tạp chí viết về ông. Có một người hễ rảnh rổi lại lặng lẽ đến các đại lý sách báo, các sạp báo lẻ và cả những người bán báo dạo tìm mua cho bằng được những tờ báo, tạp chí có bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là cố Lương y Huỳnh Tấn Đó. Có lẽ còn nhiều người dân Đà Lạt, B’Lao, Di Linh, Dran... ở Lâm Đồng đều thương tiếc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã có những năm tháng gắn bó với vùng đất cao nguyên này...

Nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Trác, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng kể lại: "Ông Đó yêu nhạc Trịnh từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, khi còn là chàng sinh viên của trường Đại học sư phạm Sài Gòn. Ông có nhiều đêm cùng bạn bè ngồi nghe nhạc Trịnh Công Sơn và “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly hát những ca khúc của họ Trịnh. Có những ca khúc đã cùng mọi người cất lên tiếng lòng trong từng đêm không ngủ, những ngày xuống đường đòi tự do, dân chủ  của lực lượng sinh viên học sinh và cả những khi đứng trên bục giảng ở trường trung học Trần Hưng Đạo – Đà Lạt; ông Huỳnh Tấn Đó đã dự nhiều đêm có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở ngôi trường đó.

Nhưng những lời ca của Trịnh Công Sơn như đã rót thêm vào lòng, vào con tim ông Đó cũng như bao sinh viên, học sinh thời bấy giờ những hoài niệm về quê hương, đất nước, về tình yêu con người và sự khao khát đòi tự do, đã làm cho mọi người có thêm ngọn lửa, có thêm chất men hừng hực xuống đường. Yêu nhạc Trịnh, yêu con người của Trịnh và được dự đám tang của Trịnh Công Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đó càng hiểu thêm ý nghĩa về con người, về cuộc đời, về sự cống hiến của một người cho triệu triệu người và giá trị nhân văn của nó vô bờ bến như thế nào".

"Tìm em tôi tìm,

nhủ lòng tôi ơi

Tìm đêm chưa từng,

tìm ngày tinh khôi

Tìm chim trong đàn

ngậm hạt sương bay

Tìm lại trên sông

những dấu hài

Tìm em xa gần,

đất trời rộn ràng

Tìm trong sương hồng,

trong chiều bạc mệnh

Trăng tàn nguyệt tận

chưa từng tuyệt vọng đâu em…"

Trong sổ tang tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Từ Huy viết: "Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một tấm lòng, một thiên tài, một con người cao cả và nhân bản. Nhiều bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đồng cảm, trong tâm thức của chúng ta, không phải bây giờ, mà từ lâu lắm rồi, ca khúc của anh đã là một phần máu thịt, Sơn yêu nước không ồn ào, không toan tính, Sơn là người yêu nước dấn thân".

***

(Hết kỳ 9, đón đọc kỳ 10 với tựa đề Biển nghìn thu ở lại)

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc (TP.HCM).

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty (Hoa Kỳ).

TS triết học Thái Kim Lan (Cộng hòa liên bang Đức).

Trần Thanh Hưng