Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du (kỳ 7): Ca khúc da vàng

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẩu chuyện, có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, Nhẹ Gót Lãng Du" nhàm cung cấp thêm thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này… Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

Kỳ 7: Ca khúc da vàng

Trong câu chuyện hôm nay, chúng ta tiếp tục trở lại không gian của Bảo Lộc, của Đà Lạt để gặp gỡ những nhân vật đã giúp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức thành công những đêm nhạc ca khúc da vàng đầu tiên.

Đến bây giờ, câu hỏi từ lúc nào và ai đã tác động để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chuyển hướng sáng tác từ dòng nhạc trữ tình sang dòng nhạc quê hương, thân phận con người trong cuộc chiến qua hàng loạt ca khúc da vàng vẫn là câu hỏi lớn, khó tìm lời giải đáp.

Ông Nguyễn Thanh Ty, bạn dạy học và ở trọ cùng phòng tại Bảo Lộc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ năm 1964 đến năm 1967 cho biết, sau 3 tháng nghỉ hè ở Nha Trang trở lại thì ông thấy Trịnh Công Sơn bơ phờ nằm trong căn phòng mà vỏ thuốc lá Basto đầy hết, căn phòng giống như một bãi rác vậy. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khoe với ông Ty là vừa viết xong một tập nhạc. Ông Ty hỏi nhạc sĩ rịnh Công Sơn hè này không về Huế à? Nhạc sĩ trả lời, không, ông ở đây làm xong một tập nhạc luôn.

Ông Ty xem qua mà trong tập nhạc đó, có nhiều bài ông không nhớ hết, ông chỉ nhớ bài đầu tiên là Gia tài của mẹ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói để tôi hát cho ông nghe nhen. Và ông Ty cho biết là khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát thì ông nổi da gà. Ông Ty thắc mắc tại sao Trịnh Công Sơn lại làm nhạc như vậy? Loại nhạc này là gì? Lúc đó 6 giờ chiều rồi nên ông Ty nói thôi đi ăn cơm đi rồi về nhà nói chuyện tiếp. Và ăn cơm xong về nhà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát tiếp mấy bài trong tập ca khúc đó…

Sau bữa cơm chiều đó, bạn bè chêu chọc Trịnh Công Sơn, rồi sau đó, mọi chuyện đều rơi vào quên lãng. Nhóm bạn Trịnh Công Sơn sau giờ lên lớp lại đi đánh bi da, nhảy đầm, không ai quan tâm đến chuyện Trịnh Công Sơn làm nhạc phản chiến. Bởi hồi đó, trong hoạt động văn nghệ chưa xuất hiện cụm từ đó, không ai nói chuyện phản chiến, chỉ nói trong âm nhạc Trịnh Công Sơn xuất hiện hình ảnh của bom đạn, chết chóc... Bạn bè còn khuyên Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Tý làm bản Dư âm 60 năm người ta vẫn còn hát, thì những bản tình ca của Sơn sẽ sống muôn đời. Nhưng những ca khúc da vàng e rằng chỉ sống được một thời gian thôi. Trịnh Công Sơn không bàn luận gì, chỉ nói “thôi, mấy ông biết chi mà nói, mấy ông biết chi mà nói”. Để rồi, anh rẽ sang một ngả mới trong sang tác của mình với những ca khúc về thân phận con người trong cuộc chiến tranh đầy lửa khói …

image-50380801-1651925373.JPG

Sau khi hoàn thành chùm ca khúc da vàng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khá bận rộn. Ông đi đi, về về Sài Gòn - Đà Lạt liên tục, thường xuyên bỏ trường, bỏ lớp hơn trước, nhưng thời gian không lâu. Trịnh Công Sơn cho bạn bè biết là đang chuẩn bị in tập "Ca khúc da vàng" và hé lộ thêm là giới sinh viên thích lắm, họ đang yêu cầu có những buổi hát ngoài trời gọi là "du ca".

Bà Cao Thị Quế Hương, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, là người cùng với em gái mình đã giúp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức các đêm nhạc ca khúc da vàng đầu tiên tại Đà Lạt. Bà kể lại: "Năm 1965-1966, chiến tranh ở miền Nam này vô cùng ác liệt, lúc bấy giờ chúng tôi cũng đang học đại học, khi học trong lớp thì tiếng đại bác dội về, làm tim mình nhức nhối.

Đến năm 1966, tại trụ sở nơi sinh hoạt học đường, thì tôi có nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát tập ca khúc da vàng. Lúc bấy giờ đi với anh Trịnh Công Sơn có anh Trần Viết Ngạc, người giới thiệu chương trình cho anh Trịnh Công Sơn. Trong buổi sinh hoạt đó có rất đông thanh niên, nhưng số thanh niên, sinh viên yêu nước chống Mỹ thì chưa tới, họ hổng tới chỗ đó đâu. Sau đó thì Tổng hội Sinh viên Sài Gòn do anh Hồ Hữu Nhựt làm Chủ tịch mới mời anh Trịnh Công Sơn qua Tổng hội Sinh viên Sài Gòn hát nhạc ca khúc da vàng.

Lúc bấy giờ, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn có khuynh hướng hòa bình, khuynh hướng chống Mỹ. Buổi sinh hoạt ở Tổng hội Sinh viên số 4 Duy Tân đó thì tôi có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và anh Trần Viết Ngạc. Lúc bấy giờ, tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn thì tôi cảm thấy nó giải toả được tình cảm của mình trước cuộc chiến tranh khốc liệt trên mảnh đất miền Nam. Tôi rất xúc động với các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Sau khi hát xong rồi thì tôi tới tôi gặp hai người đó, tôi tự giới thiệu tôi học ở Đà Lạt xuống đây nghe và tôi rất thích những bài hát đó thì anh Trịnh Công Sơn với anh Trần Viết Ngạc nói giờ đưa lên Đà Lạt hát được không? Tôi suy nghĩ một hồi rồi tôi nói các anh cứ lên đi rồi tụi tôi sẽ tính toán, sẽ sắp xếp. Hồi đó khoảng tháng 8, tháng 9, sinh viên sắp nghỉ hè (?)…".

ba-cao-thi-que-huong-ghi-lai-to-rao-moi-moi-nguoi-den-nghe-tcs-hat-o-truong-viet-anh-12-1651925623.JPG
Bà Cao Thị Quế Hương ghi lại tờ rao mời mọi người đến nghe Trịnh Công Sơn hát ở trường Việt Anh.

Những năm tháng Huế, Sài Gòn đỏ lửa, tiếng đại bác dội về cả ngày lẫn đêm, lẫn trong giấc ngủ. Tiếng đại bác gây cho người ta biết bao nỗi xót xa, căm giận giặc Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, mất mát đau thương các bài hát trong tập ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dễ đi vào lòng người, tạo nên tâm lý phản chiến trong xã hội.

Theo bà Cao thị Quế Hương, thì khi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ông Trần Viết Ngạc nhận lời lên Đà Lạt, họ đã gặp nhau tại ngôi nhà mà đến giờ bà Hương vẫn đang ở để chuẩn bị cho những đêm ra mắt ca khúc da vàng tại thành phố mờ sương. Bà Cao thị Quế Hương và người em gái là Cao Thị Thu Cúc, bấy giờ là trưởng hướng đạo ở Đà Lạt, dạy học ở Trường Trung học Việt Anh, đồng thời cũng là sinh viên khoa Việt Hán ở Học viện Đà Lạt, đã nhiệt tình giúp đỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 1966. Trước đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tổ chức hát một đêm tại nhà người quen trước trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt bây giờ, có mời một số bạn bè đến xem. Đêm nhạc thứ hai được tổ chức tại Trường Trung học Việt Anh.

Bà Cao Thị Quế Hương, kể lại: "Hôm đó, trời Đà Lạt không mưa, tất cả bắt ghế ngồi hết trong sân, Trịnh Công Sơn hát và có thể nói lần đầu tiên người Đà Lạt nghe ca khúc da vàng thì người ta xúc động lắm. Thường bấy giờ tại miền Nam này, ca sĩ hát xong họ kêu bis, bis, nhưng mà Trịnh Công Sơn hát xong người ta im lặng hết, không ai ồn ào vì người ta suy nghĩ, bởi vì những bài hát trong ca khúc da vàng đều nói về chiến tranh cả. Bữa hôm đó thầy Lê Phỉ, hiệu trưởng trường trung học Việt Anh cũng có đi. Hai hôm sau thì thầy Lê Phỉ cho phép tổ chức tại trường Việt Anh, trong một hội trường nhỏ nhỏ xung quanh cất bằng ván không thôi, lợp tole, chật chật thôi, đèn đóm cũng bình thường, chỉ có một cái micro. Bữa đó, em gái tôi lên giới thiệu thầy Lê Phỉ lên nói đôi lời, cho phép nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát. Bữa đó Trịnh Công Sơn hát toàn bộ mấy chục bài ca khúc da vàng luôn".

Cũng theo bà Quế Hương, trước ngày biểu diễn, bà và em gái Thu Cúc đi dán giấy thông báo khắp thành phố Đà Lạt, giấy tự viết chỉ mấy dòng, nội dung gồm tên đêm nhạc, thời gian, địa điểm, và mời đồng bào tới coi. Bà còn lấy giấy làm loa giới thiệu chương trình. Bấy giờ Đà Lạt còn ít xe cộ nên thông tin này cũng đến được với nhiều người. Lúc đó, dân Đà Lạt chỉ biết Trịnh Công Sơn qua Ướt mi, chưa biết gì về những ca khúc da vàng.

Cô giáo NTPL, Phó Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Đà Lạt, đưa chúng tôi đến giảng đường Spellman, giờ là nhà A1, Văn phòng Đại học Đà Lạt. Đây là nơi mà đoàn nữ hướng đạo, em gái chị Quế Hương xin phép linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt, tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại giảng đường Spellman cho sinh viên Đại học Đà Lạt nghe. Đêm đó, anh em sinh viên đến dự rất đông, có cả người ngoài viện đại học cũng vào dự. Người nghe ngồi chật cả giảng đường…

Nhà sử học Trần Viết Ngạc vừa là bạn vừa là “MC” trong suốt những năm tháng đi biểu diễn cùng Trịnh Công Sơn, hiện sinh sống tại TP.HCM, kể lại "Có thể nói đây là giảng đường đẹp nhất miền Nam bấy giờ vì Viện Đại học Đà Lạt mới xây. Mượn giảng đường đó trình diễn khoảng 6h30, 7h gì đó. Chiều hôm đó, tôi với Sơn còn ngồi ở quán cafe, có mang theo cây đàn. Khi mà tôi đi taxi vào để xem thử họ chuẩn bị thế nào, thì trời ơi từ 5h30 -6h gì đó mà trời mưa lất phất lất phất mà người ta đội dù đi từ trung tâm Đà Lạt vào Viện Đại học Đà Lạt, cảnh đó rất là đẹp. Sơn cũng rất là xúc động. Nhất là khi trở ra lại, thì đi ngược chiều với họ, sinh viên thanh niên thì không nói gì, mà còn có những bà cụ 50, 60 tuổi che dù đi vào, họ vào để nghe Trịnh Công Sơn hát".

image-50443521-1651925373.JPG
Nhà sử học Trần Viết Ngạc

Bà Cao Thị Quế Hương cũng cho biết, em bà là hướng đạo nên mới nhờ mấy em nam hướng đạo cổ động thêm. Vì vậy, ngoài sinh viên Đà Lạt thanh niên bên ngoài như ấp Hà Đông tới rất đông, có cả dân nữa. Em bà Hương lên giới thiệu cha Lập nói đôi lời, sau đó thì giới thiệu Trịnh Công Sơn lên hát. Thế là Trịnh Công Sơn lên hát liên tục mà không nghỉ. Tới một nửa chương trình mới giải lao. Sau đó Trịnh Công Sơn có nói là hát đổ mồ hôi luôn, ướt cả cây đàn. Mấy đứa bạn em bà Hương lên tặng cho Trịnh Công Sơn một bịch xí muội và một đóa hoa hồng. Theo bà Hương, đêm nhạc đó rất thành công, thành công vì người tới nghe rất ý thức về tình hình đất nước, về cuộc chiến tranh, chứ không ai hô bis, bis ồn ào…

"Rừng núi giang tay nối lại biển xưa/ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà"

Nhà sử học Trần Viết Ngạc kể lại, Trịnh Công Sơn hát rất khỏe, hát liên tục 10, 15 bài. Nên lúc bấy giờ muốn có thời gian tạm nghỉ ở giữa, tôi mới ra tôi nói nếu anh Sơn hát nữa sợ anh Sơn không đủ sức, cho nên cho tôi lấp vào chỗ trống này, một người bạn cùng nghề dạy học, giới thiệu về nhạc Trịnh Công Sơn. "Tôi nói về ‘người già em bé, ghế đá công viên’. Dự định là tôi nói chừng 10-15 phút, nhưng không bao giờ tôi dùng hết thời gian đó, để gây không khí, nên tôi nói có lẽ giờ anh Sơn khỏe rồi, nên tôi không làm công việc vô duyên, âm nhạc nó đến thẳng trái tim mọi người nên không làm gì phải qua trung gian, tôi chỉ lấp chỗ trống thôi, nên tôi mời Sơn qua.

Sơn hát tiếp 10, 15 bài nữa. Không khí rất là thích, bên dưới rất là yên ắng, hôm đó ngoài sinh viên, thanh niên, đồng bào ra, còn có một số trí thức Sài Gòn, Đà Lạt. Hôm đó, có một hội thảo gì đó ở Đà Lạt, Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt đêm đó đều có mặt ở đó, ngồi ở hàng ghế đầu. Nhưng hồi đó mình không phải thưa gửi như bây giờ đâu, họ là thính giả, mình phục vụ họ, không giới thiệu gì hết nhưng chắc chắn có Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt, tức cha Nguyễn Văn Lập. Sơn hát xong 10, 15 bài nữa thì tôi xin kết thúc. Khi kết thúc thì công việc của tôi là bán nhạc. Hồi đó tôi lên Đà Lạt không có mang áo lạnh mà mượn anh Nguyễn Văn Sanh một cái veston, dài gần tới gối nè, tiện cái là bán nhạc mình bỏ tiền vô túi luôn...".

Âm nhạc có một sức mạnh kỳ diệu, như tiếng đàn có thể mê hoặc chim muông, hoa lá. Những đêm nhạc đầu tiên giới thiệu ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt đã gieo trong lòng người nghe nỗi niềm trăn trở về chiến tranh và hòa bình.

Nhà sử học Trần Viết Ngạc cho biết thêm, khi trình diễn xong thường là khán giả họ lên xin chữ ký của Trịnh Công Sơn trên các tập nhạc. Hồi đó, ông Ngạc bán nhạc mà không có gì đựng nên ông dùng bao bột mì để bỏ bản nhạc vào, bấy giờ, loại bao này họ còn dùng may áo may quần nữa, nó rất chắc. Ông Ngạc rút các tập nhạc từ bao mì ra đưa cho Trịnh Công Sơn ký, ký xong thì ông Ngạc lấy tiền người mua bỏ vô túi áo vest.

image-6483441-1651925372.JPG

"Những đêm nhạc ca khúc da vàng đầu tiên ở Đà Lạt thường thì sau khi hát xong, khán giả không chịu ra về, họ cứ đứng vỗ tay rập rập, họ không muốn về. Họ kêu lên Mưa hồng, Mưa hồng!", bà Quế Hương cho biết.

Theo đó, lúc đó, bà Quế Hương không nói ra nhưng bà không thích Trịnh Công Sơn tiếp tục hát nữa vì không khí phản chiến lúc đó rất là mới mẻ, khán giả thích thú như vậy thì nếu tiếp tục hát Mưa hồng thì sẽ phản tác dụng của đêm nhạc ngay. Nhưng trước không khí khán giả không chịu về, cứ đứng vỗ tay, Trịnh Công Sơn phải lên hát tiếp chừng 5 bài tình ca nữa. Ông Ngạc nghĩ mình như một bầu show, theo ý người hát thôi, chẳng có ý kiến gì, nhưng thực lòng không muốn Trịnh Công Sơn hát thêm nữa.

Sau này, ông Ngạc trao đổi với nhạc sĩ và Trịnh Công Sơn cho rằng, đồng bào họ có lý, vì họ nghe hết các bài phản chiến của mình rồi, bây giờ họ thích tình ca sao mình không cổ vũ họ. Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kết thúc đêm diễn, các cô gái chìa vai áo măng tô trắng, căng những chiếc khăn mùi xoa cho anh ký tặng, là những hình ảnh sống mãi trong tâm thức người Đà Lạt bấy giờ..../.

***

(Hết kỳ 7, đón đọc kỳ 8 với chủ đề Tình khúc ơ bai)

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP.HCM

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ

TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức

Trần Thanh Hưng