Có người, có mẩu chuyện, có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.
Với những chất liệu này, loạt bài viết "Trịnh Công Sơn, Nhẹ gót lãng du" nhằm giúp đọc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…
Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…
***
Kỳ 5: Một dòng sông đã qua đời
TP. Đà Lạt với hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo và nhiều nơi chốn khác chưa phai nhòa trong ký ức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những người bạn của ông cùng nhận nhiệm sở dạy học ở Bảo Lộc ngày nào. Bởi hồi đó, cứ vào cuối tuần là họ lại cùng nhau lên Đà Lạt, với những con phố xa lạ, với lao xao sóng người…
"Mười năm xưa đứng bên bờ dậu
Ðường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo
Tóc người như dòng sông xưa ấy đã phai
đã lênh đênh biển khơi
Có lần bàn chân qua phố
thấy người sóng lao xao bờ tôi"
Một trong những bài hát về tình cảm, tình yêu và có một cái tựa rất lạ trong tài sản đồ sộ về âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó là bài hát Có một dòng sông đã qua đời.
Khi còn sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giải thích về hoàn cảnh sáng tác bài hát này rằng, có nhiều cách đau khổ vì tình yêu, khi yêu người này thì đau khổ kiểu này, yêu người kia đau khổ kiểu kia. Thì “có một dòng sông đã qua đời” là câu chuyện tình có thật… Nhưng mà có một dòng sông đã qua đời…
Những năm tháng dạy học ở Bảo Lộc, cuối tuần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường lên Đà Lạt hay về Sài Gòn. Một hôm ở Đà Lạt nhạc sĩ đi qua cầu, cây cầu bắt qua kênh thoát nước cho Hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo ngày nay, thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Người nhạc sĩ nhìn thấy hình ảnh đó và cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này. Và ông đã viết những ca từ tê tái, đau buồn đó…
"Mười năm chân bước trên đường dài
Gặp nhau không nói không nụ cười
Chút tình dường như hiu hắt bay
Mười năm khi phố khi vùng đồi
Nhìn nhau ôi cũng như mọi người
Có một dòng sông đã qua đời"
Khi đi qua cây cầu, khi nhìn xuống thấy dòng nước chảy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghĩ mình không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước… mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại quá lớn. Vì thế, có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là sự ví von người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là dòng sông, nhưng mà là người yêu của nhạc sĩ đi qua một dòng sông, và vì thế, nhạc sĩ vừa mất người yên, vừa mất luôn cả một dòng sông…
Theo cách nhìn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì dòng sông bấy giờ không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó, nó đẹp vô cùng tận nhưng từ phút đó trở đi, từ lúc người yêu ông ngoảnh mặt bước đi, thì nó không còn ý nghĩa gì cả. Dòng sông còn mang đến cho ông một nỗi buồn giống như sự mất mát kia trong tình yêu. Có một dòng sông đã qua đời được thai nghén ngay từ giây phút ấy…
"Mười năm chân bước trên đường dài
Gặp nhau không nói không nụ cười
Chút tình dường như hiu hắt bay
Mười năm khi phố khi vùng đồi
Nhìn nhau ôi cũng như mọi người
Có một dòng sông đã qua đời".
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng, khi ta đi qua một nơi chốn nào đó, ví như tình cờ ngang qua một cái núi, rồi gặp lại người tình của mình cùng đi với một người khác, thì cái núi đó cũng qua đời rồi chứ không phải chỉ có dòng sông đã qua đời, núi cũng qua đời luôn…
Thế mới biết, tình yêu trong con người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn mãnh liệt đến dường nào, mạnh mẽ như thế nào, nhưng có những phút giây lại yếu đuối vô cùng, sụp đổ hoàn toàn. Và chính trong những hoàn cảnh đó, chúng ta mới có những sáng tác để đời của ông mà Một dòng sông đã qua đời chỉ là một câu chuyện nhỏ…
(Hết kỳ 5, đón đọc kỳ 6 với tựa đề Lời buồn thánh)
***
Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:
Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP HCM
Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ
TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức