Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du (kỳ 6): Lời buồn thánh

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, và nhiều luận văn đại học, sau đại học trong và ngoài nước bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Loạt bài viết này chỉ là những lát cắt, những câu chuyện nhỏ chúng tôi may mắn được ghi chép lại từ những người bạn, những thầy giáo, những người hoạt động văn nghệ cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có người, có mẩu chuyện, có thể công chúng đã biết. Nhưng cũng có nhân chứng lần đầu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời, sáng tác và hoạt động văn nghệ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải rộng trong không gian từ Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rang đến Bảo Lộc, Đà Lạt và Sài Gòn.

Với những chất liệu này, loạt bài viết Trịnh Công Sơn, nhẹ gót lãng du nhằm cung cấp thêm thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, biểu diễn, sự lan tỏa nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, hiểu hơn về đời sống tinh thần cùng bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này…

Không chỉ là những câu chuyện có không gian địa lý cụ thể, những vùng đất người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua, mà còn là những không gian hoài niệm về tình yêu, về quê hương đất nước, là chất liệu và nguồn cảm xúc dạt dào giúp Trịnh Công Sơn viết nên những sáng tác bất hủ…

***

Kỳ 6: Lời buồn thánh

Bảo Lộc, một dãy phố cũ…

Vì sao “Chiều chúa nhật lại buồn, Nằm trong căn gác đìu hiu” cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong ca khúc Lời buồn thánh với ca từ không nhiều?

Chúng tôi trở lại Bảo Lộc để tìm câu trả lời.

Chiều chúa nhật buồn

Nằm trong căn gác đìu hiu

Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều

Trời mưa, trời mưa không dứt

Ô hay mình vẫn cô liêu

Chiều chúa nhật buồn

Nằm trong căn gác đìu hiu

Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều

Bạn bè rời xa chăn chiếu

Bơ vơ còn đến bao giờ.

Thầy giáo Ninh Thế Hùng, nguyên là Hiệu trưởng Trường Phan Chu Trinh, thành phố Bảo Lộc, tức trường Bảo An trước đây mà chúng tôi đã đề cập trong những kỳ trước. Chính thầy Hùng đã kết nối để chúng tôi tìm lại nguyên mẫu người con gái trong tác phẩm "Lời buồn thánh" thuở nào. Và, thầy Hùng biết được câu chuyện này cũng rất tình cờ, trong một lần họp mặt cựu học sinh ở Bảo Lộc cách đây chưa lâu.

thay-giao-ninh-the-hung-thu-3-tu-trai-qua-1651479832.jpg
Thầy giáo Ninh Thế Hùng (người đứng thứ 3 từ trái qua).

Chúng tôi sử dụng Google Map, nhưng cũng tốn khá nhiều thời gian mới tìm ra được nhà cô giáo Trương Thị Ngọc Ngà trong một con hẻm sâu tại TP.HCM. Cô Ngà chính là nhân vật trong bài hát "Lời buồn thánh" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cô Ngà kể: "Ngày ấy, tôi đang là cô bé nữ sinh lớp đệ tứ trường Bồ Đề, Bảo Lộc. Mỗi ngày, ôm cặp sách đi học ngang qua ngôi nhà có mấy anh thầy giáo trẻ ở trọ, rồi xuôi theo một con dốc đất đỏ, rôi ngang qua nhà thờ Bảo Lộc, mới tới trường Bồ Đề. Đi học, tôi luôn mặc áo dài trắng, tóc xõa ngang vai. Vẫn vô tư đi đi về về. Tôi không biết ngôi nhà ấy có bao nhiêu người ở, tôi chưa từng đến đó bao giờ dù chỉ cách nhà tôi chừng 20m. Hàng ngày, các anh đi ngang qua nhà tôi để đến nơi dạy học. Tôi cũng không để ý xem các anh dạy trường nào. Hằng đêm, ai cũng nghe tiếng đàn guitar từ căn nhà mấy thầy giáo trẻ đang trọ vang lên thánh thót.. Có điều, ngày ấy mình còn ngu ngơ quá, chưa thấu cảm được cái hay của những âm thanh tuyệt vời kia. Bỗng một buổi chiều mùa hè, hai thầy giáo trẻ đến nhà tôi, đó là thầy giáo Nguyễn Văn Tỳ (sau này anh là nhà văn với bút hiệu Nguyễn Thanh Ty) và thầy giáo Trịnh Công Sơn. Anh Sơn mang kiếng cận, anh Tỳ thì không. Hai anh có vẻ cùng trang lứa, và đẹp trai, phong cách lịch sự như nhau (thầy giáo mà!).

Ba mẹ tôi vui vẻ tiếp hai chàng trai trẻ chưa quen, sau khi hai anh tự giới thiệu, anh Tỳ xin phép Ba Mẹ được tặng tôi chiếc vòng đeo tay. Anh nói, anh mới từ Nha Trang về, mang theo món quà này xin được tặng cho cô Ngà. Ba Mẹ tôi cũng cho phép, sau đó, hai người rút lui vào nhà trong để tôi tiếp khách. Sau những câu hỏi trả lời đầy bỡ ngỡ, 2 bên cũng lúng túng không biết nói gì, tôi lại càng ngơ ngơ. Hai anh cùng đến một lần đó thôi. Về sau, có những ngày nghỉ, ba tôi ra hồ Bảo Lộc (còn gọi là hồ Đồng Nai Thượng) câu cá, dẫn theo mấy chị em tôi. Chúng tôi hăng hái rang gạo làm thính cho ba rắc để nhử cá. Đôi khi anh Tỳ cũng theo ra, chúng tôi chuyện trò vu vơ… tôi không nhớ nội dung những câu chuyện khi ấy. Những khi này, tôi không gặp anh Sơn. Tôi cũng không nhớ tại sao tôi lại làm vỡ chiếc vòng anh Ty đã tặng!!! Chỉ nhớ các anh vẫn ở đấy, vẫn đêm đêm có tiếng đàn guitar… Thời gian sau, gia đình tôi dời nhà, tôi không gặp lại các anh nữa".

Cô Ngà không hề hay biết mình là thần tượng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì cũng chỉ biết đó là nhạc sĩ, chào nhau rồi thôi. Vì hồi đó cô còn bé quá không để ý gì. Và rồi từ đó cho tới khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, cô cũng chẳng có duyên may gặp lại…

"Chiều chúa nhật buồn

Nằm trong căn gác đìu hiu

Tôi xin em năm ngón tay thiên thần

Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi

Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn.

Chiều chúa nhật buồn lặng nghe gió đi về

Chiều chúa nhật buồn lặng nghe gió đi về

Chiều chúa....."

Tháng 3/2018, cô Ngà về Bảo Lộc dự cuộc họp mặt cựu học sinh các trường Bảo Lộc, Di Linh, gặp lại bạn bè, trong đó có một người tên Quang. Anh Quang xưa cũng ở trọ gần nhà cô Ngà, anh Quang trọ nhà phía bên tay phải, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì trọ nhà bên phía tay trái, đi xuống dốc một đoạn. Anh Quang cho cô Ngà biết, cô chính là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc "Lời buồn thánh". Điều này vô cùng bất ngờ với cô Ngà.

Khi chúng tôi đến Bảo Lộc nhờ thầy Ninh Thế Hùng kết nối để tìm gặp cô Ngà, cô còn nghĩ là không biết anh Quang có nói quá không? Cô cũng thích bài hát đó lắm… chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu, ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều… Cô rất bất ngờ, thật sự là bất ngờ, ngạc nhiên và còn không tin đó là sự thật, khi nghe thầy Hùng nói cô là nhân vật trong ca khúc, cô thật sự không thể nào nghĩ ra được...

Ông Nguyễn Thanh Ty kể lại, bài "Lời buồn thánh" là một trong những ca khúc Trịnh Công Sơn viết rất lâu, trau chuốt rất kỹ càng. Và hình ảnh người con gái tuổi mười sáu trăng tròn trong bộ áo dài trắng, tóc xõa ngang vai, ôm chiếc cặp màu đen như từ trong ca khúc của nhạc sĩ tài hoa bước ra, thả bước trên con đường đất đỏ. Trong không gian sương mờ bảng lảng, trong âm vang tiếng chuông nhà thờ xa xa, Trịnh Công Sơn ngỡ rằng đó là một người con gái theo đạo thiên chúa giáo. Nhưng cô Ngà cho hay cô là con một gia đình Phật giáo…

Cũng như nhiều người mến mộ âm nhạc Trịnh Công Sơn, khi hay tin Trịnh Công Sơn qua đời, cô Ngà rất buồn và tiếc nuối cho một con người tài hoa. Lúc đó, cô cũng chưa biết mình chính là nhân vật để người nhạc sĩ viết nên một ca khúc nổi tiếng.

Một chi tiết cũng khá thú vị trong bài hát này đó là cụm từ “căn gác đìu hiu”. Có người đặt câu hỏi, căn gác đó ở Qui Nhơn hay Blao? Nhưng theo nhà sử học Trần Viết Ngạc, bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, điều đó do mỗi người tự đi tìm câu trả lời, không thể suy đoán được, vì khi nhạc sĩ sáng tác thì những hình ảnh quá khứ nó luôn hiện về, cả những hình ảnh của tương lai nữa…

***

(Hết kỳ 6, mời quý độc giả đón đọc kỳ 7 với tựa đề Ca khúc da vàng)

Loạt bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ đặc biệt của:

Nhà sử học Trần Viết Ngạc, TP.HCM

Nhà văn Nguyễn Thanh Ty, Hoa Kỳ

TS triết học Thái Kim Lan, Cộng hòa liên bang Đức

Nội dung: Trần Thanh Hưng - Hình ảnh: Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Đệ