Thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cuộc họp liên ngành về phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm, ngày 8/5/2024.
Xử lý hình sự với các trường hợp buôn lậu gia súc, gia cầm
Theo Cục Chăn nuôi, hiện giá lợn giống ở Việt Nam đang cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu lợn từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó ‘tẩy trắng nguồn’ để kiếm lời. Cục Chăn nuôi đang kiểm tra về việc một đầu nậu ở Tây Ninh nhập lậu tới hơn 2.000 con lợn giống mỗi ngày.
Đối với gia cầm, tùy thời điểm, con giống như gà, vịt ở Trung Quốc có giá thành thấp hơn ở Việt Nam. Một số đối tượng hám lợi, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, nhập về bán cho nông dân kiếm lời. Muốn ngăn chặn rốt ráo tình trạng nhập lậu con giống gia súc gia cầm, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng giải pháp hiện tại là quản lý tốt con giống, giảm giá thành.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết tình trạng buôn lậu, nhập lậu gia súc gia cầm đang rất phức tạp, thế nhưng hầu như chỉ thấy các cơ quan Trung ương vào cuộc, chưa thấy địa phương chủ động có phát hiện, báo cáo. Nhất là các tỉnh biên giới, cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng ở cửa khẩu và nội địa.
“Đề nghị Cơ quan Công an vào cuộc xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ chứng cứ - với các trường hợp buôn lậu gia súc, gia cầm. Cục Thú y sẽ tham mưu Bộ để gửi văn bản đến từng địa phương, đề nghị địa phương quản lý chặt”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng theo các văn bản pháp luật hiện hành, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm ở ngành Nông nghiệp, thuộc về Cục Chăn nuôi và các địa phương.
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) trực thuộc Bộ Công an cho biết việc buôn lậu gia súc, gia cầm diễn ra tùy thời điểm. Trước và sau Tết, buôn lậu gà, vịt tăng mạnh do nhu cầu thị trường. “Trước Tết, chúng tôi đi kiểm tra ở miền Trung và Tây Nguyên, thấy có nhiều vụ nhập lậu trâu bò từ Lào về, rồi xuất sang Trung Quốc. Thời gian gần đây lại rộ lên con giống gia cầm”, đại diện C03 thông tin.
Theo C03, khi các lực lượng chức năng "làm mạnh" ở cửa khẩu đường bộ, thì các đối tượng buôn lậu sẽ chuyển sang đường biển. “Chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi các địa phương, để các địa phương giám sát chặt hơn nữa về xuất nhập lậu gia súc, gia cầm. Các doanh nghiệp kinh doanh liên quan gia súc, gia cầm cũng nên chủ động thông báo tin tức tới Cơ quan công an khi phát hiện nhập lậu, buôn lậu gia súc gia cầm”, đại diện C03 khuyến cáo.
Nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng vấn nạn nhập lậu gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi. Người nông dân ít thông tin, gom góp được tý vốn mua con gà, con vịt về nuôi tăng gia. Mấy hôm sau lăn ra chết sạch. Biết đền ai. Ai đền cho? Xót xa lắm chứ. Tôi nói thế để các cán bộ ở địa phương đừng bàng quan, đừng thờ ơ, đừng cả nể mà để nông dân lâm cảnh khó khăn.
“Tại một số địa phương gần biên giới, có tình trạng một số cơ sở nhập con giống gia cầm như gà, vịt về rồi bán sang địa phương khác. Thôn xã ai làm gì biết hết, ai có cỗ bàn biết hết. Làm gì có chuyện gia súc gia cầm nhập lậu mà không biết", Thứ trưởng bức xúc.
Câu chuyện không chỉ dừng ở nông dân trực tiếp chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi nói chung. “Mấy năm thua lỗ nghiêm trọng. Tôi rất buồn, rất xót xa khi thấy có không ít doanh nghiệp phải cho bay cả xe máy, ô tô đến sổ đỏ. Khi mà chúng ta vào cuộc quyết liệt, cả nông dân và doanh nghiệp đều phấn khởi, vì họ được bảo vệ khi kiếm đồng tiền chân chính từ mồ hôi, nước mắt của mình”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, thị trường có quy luật riêng, không thể điều hành theo kiểu “hành chính hóa”. Song cũng từ thực tế đó, nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
"Tập trung cho xuất khẩu trên cơ sở đàm phán thương mại, có đi có lại, theo hướng tích cực. Đến giờ này, thành quả của việc chống buôn lậu gia súc, gia cầm là rất rõ. Hiệu quả của các công điện từ Chính phủ về phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm, là rất rõ”, ông Tiến cho biết.
Về việc có một số địa phương, một số cơ sở nhập con giống gia cầm như gà, vịt về rồi bán sang địa phương khác, Thứ trưởng Tiến khẳng định: “Thôn xã ai làm gì biết hết, ai có cỗ bàn biết hết. Làm gì có chuyện gia súc gia cầm nhập lậu mà không biết. Cứ sợ mất lòng, cả nể nên không chịu xử lý. Làm quản lý Nhà nước mà như thế là không chấp nhận được”.
Về tương lai, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở biên giới, phục vụ xuất nhập khẩu./.