Bộ đội biên phòng Cà Mau tăng cường chống buôn lậu trên biển

Vùng biển Cà Mau rộng 80.000 km2 và giáp ranh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Thời gian gần đây tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Tây Nam nói chung, vùng biển Cà Mau nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp.

Trên địa bàn số lượng phương tiện hoạt động đánh bắt thuỷ sản thường xuyên ra vào lên đến hàng ngàn chiếc mỗi con nước. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật, như tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, trộm cắp tài sản, gây mất trật tự, an ninh trên khu vực biên giới biển.

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu dầu trên biển là dùng tàu đánh cá cải hoán thành tàu chở dầu, đưa tàu ra các vùng biển giáp ranh với nước ngoài mua dầu lậu, sau đó vận chuyển vào vùng biển của các tỉnh Tây Nam trong đó có vùng biển Cà Mau bán lại cho các tàu đánh cá khác để thu lợi bất chính. Nguyên nhân được cho là do giá dầu trên biển và trên thị trường trong nước có giá chênh lệnh khá cao, nên một số chủ tàu, thuyền trưởng bất chấp thủ đoạn ra biển mua bán dầu lậu thu lời bất chính. Bên cạnh đó, trên địa bàn biên phòng tình trạng mua bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn diễn ra ở một số địa bàn. Tuy nhiên, vùng biển rộng, lực lượng, phương tiện của đơn vị còn mỏng vì vậy, đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả tuần tra thực thi pháp luật trên biển.

anh-1-1672211577.JPG
Lực lượng HĐBP 2 – BĐBP Cà Mau kiểm tra tàu chở dầu lậu.

Để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên khu vực biên giới biển của tỉnh. Từ đầu năm, Đảng ủy, Bộ chỉ huy đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau. Chỉ đạo toàn đơn vị tăng cường các biện pháp công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình; thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào khu vực biên giới biển. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đã đạt nhiều kết quả nổi bật được UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh BĐBP đánh giá cao, Thượng tá Phùng Đức Hưng thông tin thêm.

Theo đó, Bộ chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm chắc tình hình trên biển; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong năm 2022, BĐBP Cà Mau đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ/4 trường hợp (1 vụ đang điều tra), tịch thu 4.948 bao thuốc lá nhập lậu và xử phạt hành chính trê 100 triệu đồng; 5 vụ/15 trường hợp buôn lậu dầu trên biển, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính trên 200 triệu đồng và tịch thu gần 90 ngàn lít dầu DO.

Điển hình, gần đây nhất vào ngày 06/12, trong khi tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã phát hiện tàu KG 90773 TS do ông Trương Việt Vương (41 tuổi, ngụ Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang) làm thuyền trưởng và tàu KG 90714 TS do ông Nguyễn Văn Tùng (51 tuổi, ngụ Kiên Lương, Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Cả 2 tàu đều có nhiều nghi vấn, tiến hành kiểm tra hành chính lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên 2 tàu có nhiều thùng phuy nhựa chứa chất tinh thể lỏng có mùi dầu. Cả 2 thuyền trưởng cho biết đó là dầu DO, số lượng khoảng trên 16 ngàn lít, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán dầu và nguồn gốc. Cả 2 thuyền trưởng và máy trưởng của 2 tàu đều không có văn bằng, chứng chỉ hành nghề.

Bước đầu ông Trương Việt Vương thuyền trưởng tàu KG 90773 TS khai nhận, ông điều khiển tàu KG 90773 TS ra biển hoạt động nghề lưới kéo cùng tàu KG 90714 TS. Xuất bến qua cửa Ba Hòn, tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/11/2022. Từ ngày ra biển đến ngày bị Đồn Biên phòng Hòn Chuối phát hiện, bắt giữ ông đã 3 lần lấy dầu từ tàu khác không rõ địa chỉ, lần đầu không nhớ số lượng, lần 2 là 10 ngàn lít và lần ba 7 ngàn lít.

anh-2-1672211645.JPG
Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc (Đồn BP Sông Đốc) kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào cửa biển.

Vào ngày 06/10, cũng tại khu vực vùng biển cách đảo Hòn Chuối khoảng 20 hải lý về hướng Tây, tàu tuần tra của Hải đội Biên phòng 2 đã phát hiện tàu CM 99284 TS do ông Trần Hữu Lộc, ngụ phường Vĩnh Hiệp, Tp. Rạch Giá, Kiên Giang làm thuyền trưởng đang vận chuyển hơn 20 ngàn lít dầu không rõ nguồn gốc. Thuyền trưởng cho biết đó là dầu diesel, nhưng thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán dầu và nguồn gốc. Làm việc với cán bộ điều tra Bộ đội Biên phòng, ông Trần Hữu Lộc, cho biết, tàu CM 99284 TS, có chiều dài lớn nhất 18 mét, công suất máy chính 250CV; hành nghề lưới kéo, vùng hoạt động là vùng khơi.

Đến ngày 15/8/2022, ông Lộc thuê lại và tiến hành sửa chữa, lấp phủ keo lại các hầm đã có sẵn và mua sắm các dụng cụ phục vụ cho việc mua bán dầu trái phép trên biển gồm: Máy bơm cubuta 125; bơm chìm; đồng hồ đo số lượng lít; 100 mét ống nhựa loại 42mm; 10 mét ống nhựa loại 60mm; 20 mét ống nhựa loại 34mm để lắp đặt lên phương tiện và thuê thêm 3 thuyền viên đi làm trên phương tiện.

Cũng theo lời khai của ông Lộc, ngày 28/8/2022 ông và các thuyền viên xuất bến qua cửa kênh dài (Kiên Giang) ra biển đến ngày bị bắt ông Lộc đã tổ chức mua bán chót lọt 4 lần và lần thứ 5 đang di chuyển tìm phương tiện bán dầu thì bị lực lượng Hải đội Biên phòng 2 (BĐBP Cà Mau) phát hiện, bắt giữ. Tổng số dầu đã mua bán khoảng trên 120 ngàn lít.

Cùng thời gian này, Đồn Biên phòng Sông Đốc cũng đã phát hiện tàu KG 94117 TS do ông Đồng Tuấn Khải, ngụ tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng. Trên tàu có nhiều khoang hầm chứa chất tinh thể lỏng có mùi dầu và nhiều dụng cụ dùng bơm hút dầu như máy bơm, đồng hồ đo số lượng, ống nhựa loại lớn dùng để bơm hút dầu. Thuyền trưởng cho biết đó là dầu DO, số lượng khoảng 15 ngàn lít, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán dầu và nguồn gốc.

Sau khi điều tra, làm rõ BĐBP đã tịch thu toàn bộ số dầu lậu nói trên và xử lý vi phạm hành chính các chủ tàu, thuyền trưởng theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển vẫn đang là bài toán khó và gian nan đối với các lực lượng thực thi pháp luật.

thuong-ta-1672273745.jfif
Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau (bên trái) trao đổi kế hoạch tuần tra trên biển cùng CBCS Hải đội Biên phòng 2.

Để chủ động đấu tranh, ngăn chặn với các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, nhất là trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ các lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hoá ra vào khu vực biên giới biển của tỉnh; điều tra nắm chắc tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả trên địa bàn và các phương tiện đánh bắt, khai thác xa bờ…nhằm kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Trong năm 2022, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã phát hiện xử lý hành chính trên các lĩnh vực 70 vụ/142 trường hợp, với số tiền trên 1 tỷ đồng. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thời gian 9 tháng đối với 2 trường hợp; tước bằng thuyền trưởng 3 tháng đối với 15 trường hợp, 6 tháng với 1 trường hợp; tiếp nhận điều tra và tham mưu UBND tỉnh xử lý 4 vụ/16 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản và tệ nạn xã hội, xử phạt gần 2 tỷ đồng và tịch thu 1 tàu cá.
Bài, ảnh: Lê Khoa