Trách nhiệm trước thiên tai

Tuần lễ Quốc gia Phòng chống thiên tai năm 2023 diễn ra từ 15 - 22/5/2023 có chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” nhằm mục tiêu tăng cường truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác, ứng phó phòng chống thiên tai.

Thực tiễn, với tiềm lực kinh tế nói chung, tiềm lực phòng chống thiên tai, nói riêng còn nhiều hạn chế, việc Việt Nam đã và đang có những nỗ lực để hạn chế những thiệt hại của thiên tai được lý giải chính là nhờ sức mạnh của cộng đồng đã được phát huy tối đa. Nếu những chủ trương, chính sách của Nhà nước là điều kiện cần, thì sự hợp tác của người dân là điều kiện đủ để công cuộc chống thiên tai thu được thắng lợi.

anh-minh-hoa-1684120074.jpg
Cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của mỗi con người.

Tuy vậy, cần nhìn thẳng vào thực tế, tính cộng đồng khi đất nước “hữu sự”, và tính cộng đồng trong cuộc sống bình thường vẫn là một khoảng cách. Tính cộng đồng của người Việt ra đời từ nhu cầu ứng phó với thách thức của tự nhiên, xã hội, nên khi thử thách qua đi, tinh thần cộng đồng rất dễ đi vào thoái trào. Người Việt gắn kết, tương trợ lẫn nhau khi thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh xảy ra. Song, khi thảm họa kết thúc, tư duy vị kỷ lại lên ngôi: “Ruộng ai nấy đắp bờ”, “Ăn cây nào, rào cây nấy” hay “Ai có thân người ấy lo/Ai có bò người ấy giữ”...

Thiên tai trở thành phép thử về sức mạnh của tính cộng đồng của người Việt. Nhưng làm sao để đặc tính này trở nên bền vững, chứ không phải chờ đến khi đất nước gặp gian nguy. Bởi, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và biến đổi khí hậu - câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau chúng ta không thể không đối mặt. Song, theo cách này hay cách khác, người ta cho rằng, biến đổi khí hậu là “kẻ có tội” hoàn hảo để che đậy những yếu kém trong quản lý hay thiết kế và quy hoạch vốn đã có thể giảm thiểu hoặc tránh những thiệt hại đó.

Họ sẵn sàng biện hộ cho việc khai thác khoáng sản vô tội vạ gây lũ quét, sạt lở là do biến đổi khí hậu. Thi công cầu đường bị lún sụt, biến dạng, hư hỏng cũng tại hiện tượng nóng lên toàn cầu?! Hay san lấp các vùng trũng, thiếu giám sát để người dân đổ rác bừa bãi gây ngập úng cũng “cắt nghĩa” là do mưa bất thường, triều cường dâng cao….

Kèm theo đó là nhiều dòng sông bị bức tử từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt bị chặn lại bởi các con đập cao hay những hồ chứa khổng lồ khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiêm trọng, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền… được cho là hậu quả của “biến đổi khí hậu và nước biển dâng”?!

Cần phải hiểu rằng, biến đổi khí hậu là một hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm và ứng phó, nhưng chắc chắn nó không phải là “thùng rác” để chứa những sai sót, sai lầm của ai đó đổ vào?! Chúng ta đang quên mất rằng, con người cũng chỉ là một thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn. Nếu nhân loại vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế bằng mọi giá sẽ còn phải trả giá. 

Phía sau những trận cuồng phong lịch sử đều cho thấy, mọi toan tính ích kỷ và vô cảm, vun vén cho riêng mình, hay một nhóm lợi ích nào đó, dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của thế thời. Những khó khăn chất chồng hôm nay nhân loại đang phải đối diện, phải gánh chịu là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của tự nhiên khi vượt quá “lằn ranh giới hạn”.

Chính vì thế, cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của mỗi chúng ta. Không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển, vì đó là phát triển không bền vững. 

Sống xanh chính là chìa khóa cho vấn đề này. Đừng ích kỷ, hãy mở lòng để quan tâm nhiều hơn đến thế giới ta đang sống là chiếc chìa khóa thứ hai để giải quyết tình trạng môi trường đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Cần phải nhớ, Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người rất nhiều thứ quý giá, thế nên, giữ gìn và bảo vệ nó chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai không nhất thiết là phải soạn thảo ra một kế hoạch tầm vĩ mô hay nghiên cứu tạo thành một cỗ máy hiện đại... Thay vào đó, chỉ cần những những hành động nhỏ bé như: tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng túi nilon, giữ gìn vệ sinh đường phố và nơi ở, trồng cây xanh, yêu thương bảo vệ động vật… là nhân loại đang thể hiện một cách đúng đắn, trách nhiệm lối sống văn minh, sự quan tâm và ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai. 

Và hơn hết, nhận thức này phải được quán triệt từ khâu hoạch định chính sách, pháp luật đến các biện pháp bảo đảm thực thi trong thực tế. Phải tạo ra một ý thức xã hội là bảo vệ môi sinh, gìn giữ môi trường sống, gìn giữ và phục hồi màu xanh của rừng, sự trong lành của các dòng sông, của bầu khí quyển… Có như thế thiên nhiên mới giảm bớt những cơn giận dữ, mang lại sự bình yên cho con người./.

Xuân Hợp