TP.HCM quyết tâm số hóa toàn diện đưa dịch vụ công lên nền tảng số

Ngày 18/9, tại TP.HCM, Hội thảo “Tầm nhìn và hành động lãnh đạo trong quản trị dữ liệu và chuyển đổi số” đã diễn ra, quy tụ sự tham gia của nhiều lãnh đạo thành phố, chuyên gia quốc tế, cùng đại diện các sở, ban, ngành. Sự kiện do Trung tâm Chuyển đổi số phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Ngân hàng Thế giới tổ chức nhằm thảo luận các bước đi chiến lược trong việc triển khai chuyển đổi số tại TP.HCM.
18-9-2024-hoi-thao4-1726721490.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà là nền tảng quan trọng giúp Thành phố nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển kinh tế số, và xây dựng xã hội số. Hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu như bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – Campuchia – Lào, và bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM.

Dịch vụ công toàn diện trên nền tảng số

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM, nhấn mạnh rằng từ đây đến năm 2026, thành phố sẽ dựa trên bốn trụ cột chính trong chuyển đổi số:

Thứ nhất, Thành phố tập trung phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số tiên tiến, không chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Thứ hai, không dừng lại ở công nghiệp công nghệ thông tin, Thành phố còn thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế khác, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế.

Thứ ba, chuyển đổi số sẽ được áp dụng vào quản trị của chính quyền Thành phố, với việc xây dựng hệ thống quản lý dựa trên nền tảng số và dữ liệu. Điều này giúp nâng cao hiệu quả trong việc điều hành và ra quyết định.

Thứ tư, Thành phố tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả dữ liệu số, nhằm nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức, đồng thời cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế số cũng sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Với tầm nhìn đó, TP. Hồ Chí Minh đã đề ra 4 định hướng cụ thể và 4 giải pháp triển khai để hiện thực hóa mục tiêu. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các trợ lý ảo nhằm phục vụ ba mục tiêu lớn: nâng cao hiệu quả hệ thống dịch vụ công, phát triển bền vững kinh tế số và xây dựng đô thị thông minh.

Một điểm nhấn đặc biệt trong kế hoạch này là việc phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu chung, cho phép kết nối và chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công.

18-9-2024-hoi-thao2-1726721525.jpg
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM, thông tin tại hội thảo.

Theo chiến lược, đến năm 2025, toàn bộ quy trình hành chính của TP.HCM sẽ được thực hiện trên nền tảng số, cho phép người dân và doanh nghiệp không cần phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước. Các dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí, đồng thời cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua việc số hóa toàn bộ hồ sơ và quy trình.

"Không chỉ số hóa hồ sơ, chúng tôi sẽ tái cấu trúc quy trình để giảm thiểu rào cản trong việc chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành và địa phương," bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, cho biết. Điều này đồng nghĩa với việc người dân không còn phải nộp bản sao giấy tờ thủ tục hành chính mà chỉ cần sử dụng dữ liệu dân cư có sẵn trên cổng thông tin số.

Dữ liệu số đã trở thành chìa khóa để TP.HCM đạt được mục tiêu phát triển đô thị thông minh và kinh tế số. "Dữ liệu không chỉ là tài sản, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số toàn diện," Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh tại hội thảo.

18-9-2024-hoi-thao-1726721555.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, Bà Trần Thị Diệu Thúy phát biểu kết luận hội thảo

TP.HCM đang tích cực xây dựng các nền tảng số dùng chung như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, app công dân số và nền tảng quản lý khu phố, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền và người dân.

Với sự quyết tâm từ lãnh đạo thành phố, cùng sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia hàng đầu, TP.HCM đang tạo ra những bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số. Chiến lược quản trị dữ liệu và phát triển công nghệ số không chỉ là bước đi cần thiết mà còn là yếu tố tiên quyết để TP.HCM duy trì vị thế tiên phong trong phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số./.

Lê Thuận - Lê Thu