TP.HCM chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh

Vừa qua, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố năm 2024.
anh-huyen-can-gio-1724207070.png
TP.HCM đặt mục tiêu phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, UBND Thành phố đặt mục tiêu phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số và đạt tỷ lệ 50% hồ sơ công việc cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số và đạt tỷ lệ 50% hồ sơ công việc cấp Thành phố, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 50% số xã xây dựng nông thôn mới (28/56 xã, gồm: Củ Chi 10/20 xã, Hóc Môn 5/10 xã, Bình Chánh 7/14 xã, Nhà Bè 3/6 xã, Cần Giờ 3/6 xã) đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; đạt chuẩn tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến một phần.

20% đơn vị cấp huyện (1/5 huyện: huyện Củ Chi) đạt chuẩn tiêu chí hình ảnh điểm du lịch của huyện được quảng bá thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số năm 2024.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn trong đó phấn đấu 50% xã có các hợp tác xã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực.

Các sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn phấn đấu hoàn thiện sản phẩm hướng tới OCOP 4 sao như: truy xuất nguồn gốc điện tử, phát triển thương hiệu, đăng kí sở hữu trí tuệ, ứng dụng thương mại điện tử.

Các sản phẩm OCOP 4 sao trên địa bàn phấn đấu được cấp mã số nguyên liệu vùng trồng, vùng nuôi hướng đến OCOP 5 sao và xuất khẩu; ứng dụng chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá, thương mại các sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn.

Để thực hiện nông thôn mới thông minh, UBND TP.HCM cũng đặt mục tiêu xây dựng xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, có ít nhất 25% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Ngoài ra, TP.HCM còn đặt mục tiêu mỗi xã có ít nhất một trong các mô hình ấp thông minh theo quy định.

Để thực hiện được mục tiêu chương trình chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.

Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu: “Các đơn vị trên địa bàn phải huy động các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới thông minh”./.

Quốc Cường