TP.HCM khởi động dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa 6.400 tỷ đồng

Mới đây, tại Củ Chi, TP.HCM, giai đoạn 1 của nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa chính thức khởi công xây dựng. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025 với tổng vốn đầu tư là 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60 MW/ngày.

 

drpd-1721620466.jpg
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP HCM. Nguồn BCG.

Theo thống kê năm 2023, TP.HCM thải ra 9.800 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, con số này tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày vào các dịp lễ, Tết. Trên phạm vi cả nước, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất, với khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong đó 60% xuất phát từ các đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt là một vấn đề môi trường nghiêm trọng, với tốc độ gia tăng trung bình 6% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Hiện tại, hầu hết rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ra nhiều hệ lụy môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, phát tán mùi hôi và nước rỉ rác.

Việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ hiện đại (đốt phát điện) và tái chế, tiến tới đạt 100% vào năm 2030.

Dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 6.400 tỷ đồng. Công suất xử lý của nhà máy trong giai đoạn này là từ 2.000 đến 2.600 tấn rác mỗi ngày, sản sinh ra khoảng 60 MW điện năng mỗi ngày, tương đương với 365 triệu kWh mỗi năm.

ong-pham-toan-thang-1721620492.jpg
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - phát biểu khai mạc buổi lễ. Nguồn BCG.

Giai đoạn đầu của dự án bao gồm xây dựng tổ hợp lò đốt phát điện, nhà điều hành, nhà ăn và khu nghỉ ngơi cho nhân viên. Công nghệ được áp dụng được đánh giá là hiện đại, giúp giảm đáng kể thể tích và khối lượng rác thải sau khi đốt. Nhiệt lượng từ quá trình đốt sẽ được chuyển hóa thành điện năng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Lượng tro xỉ sau khi đốt rác còn có thể được sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Nhà máy sẽ áp dụng hệ thống xử lý nước thải khép kín, tái sử dụng nước để làm mát hệ thống máy móc. Khí thải và tro tàn phát sinh trong quá trình đốt rác cũng được xử lý triệt để, đảm bảo không gây ô nhiễm không khí và mùi hôi.

Trong các giai đoạn tiếp theo, nhà máy sẽ nâng công suất đốt rác lên 6.000 và 8.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với mức phát điện 130 và 200 MW.

Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc quản lý và xử lý rác thải của TP.HCM mà còn góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.

Lê Thuận - Lê Thu