TP.HCM: Kêu gọi mức đầu tư "khổng lồ" cho văn hóa - thể thao để vươn tầm quốc tế

Sáng ngày 15/10, TP.HCM tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa - thể thao Thành phố năm 2024”. Sự kiện này là minh chứng cho quyết tâm "thay da đổi thịt" của thành phố trong việc phát triển ngành văn hóa - thể thao, đưa TP.HCM vươn tầm vóc quốc tế.
463024177-1064304945703455-6442208788707998607-n-1728977376.jpg
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao TP.HCM năm 2024. Ảnh ITPC.

Hội nghị vinh dự đón tiếp sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó có ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; và ông Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cùng các doanh nghiệp quan tâm.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã bày tỏ những băn khoăn của chính quyền thành phố, về những vấn đề được xem là chưa phù hợp giữa tiềm năng và thực tế của ngành văn hóa - thể thao tại TP. HCM.

"TP.HCM được xác định là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của công nghiệp văn hóa chưa được khai thác đúng mức. Các thiết chế văn hóa - thể thao của thành phố chưa được đầu tư, phát triển ngang tầm với kinh tế, thành phố chưa tổ chức được các sự kiện lớn như SEA Games, chưa được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện của khu vực, châu lục và thế giới. Đây là những điều chính quyền thành phố rất băn khoăn”, ông Mãi chia sẻ.

463256789-1064305662370050-8752613434891418551-n-1728977525.jpg
ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh ITPC.

Hội nghị xúc tiến đầu tư chính là lời khẳng định sự quyết tâm để xóa bỏ những băn khoăn ấy. TP. HCM đã trình bày những dự án "khổng lồ" nhằm thu hút đầu tư, áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021, đối với 23 dự án trong đó nổi bật 5 dự án tâm điểm với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Đó là dự án xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A - B; Dự án xây dựng mới Nhà hát Gia Định; Dự án xây dựng mới Trung tâm Văn hóa thành phố, xây dựng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM tại Khu đô thị Thủ Thiêm; Dự án xây dựng mới Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng TPHCM tại huyện Cần Giờ.

64167f36e0d4598a00c5-1728978101.jpg
Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM tại Khu đô thị Thủ Thiêm.

Bên cạnh những dự án "khổng lồ" này, TP. HCM còn mở ra những tiềm năng mới cho ngành công nghiệp văn hóa bằng việc đề ra 8 lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, bao gồm Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng to lớn, có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng lớn, TP.HCM không tránh khỏi nhiều thách thức trong việc thực hiện những dự án "khổng lồ" này. Thị trường văn hóa thể thao hiện nay đang ngày càng gắt gao, với sự xuất hiện của các "ông lớn" trong và ngoài nước. Để thực hiện mục tiêu "công nghiệp hóa" văn hóa, TP. HCM phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc thu hút đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã nêu ra những suy nghĩ liên quan trực tiếp đến việc tìm kiếm thị trường tiềm năng cho TP. HCM. Cụ thể, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề, trước cái nhìn bao quát hơn, nhằm xác định những hướng đi đúng đắn, những bước đi cần thay đổi và vạch ra rõ mục tiêu cần đạt được, trong lĩnh vực ngành.

Bộ trưởng cũng đã có những đánh giá quan tâm về sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và lãnh đạo thành phố, trong việc giữ vị trí đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhấn mạnh sự công khai minh bạch của chính quyền thành phố, cùng với năng lực, đam mê, tâm huyết và quyết tâm của cán bộ, là những yếu tố quan trọng để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nhân, doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào các dự án văn hóa - thể thao. Sự tham gia của lực lượng này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng của ngành văn hóa - thể thao TP.HCM.

83c5ee3cccdf75812cce-1728978214.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cũng phải đi kèm với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. TP.HCM cần có những chính sách thích hợp để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của thành phố.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Ông Phan Văn Mãi khẳng định vai trò kiến tạo của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đối với TP.HCM trong quá trình phát triển, đồng thời khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp tiềm năng phát triển văn hóa – Xã hội của thành phố. Hội nghị không chỉ là một diễn đàn giới thiệu, mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, những người có tâm huyết với ngành văn hóa - thể thao.

TP.HCM cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo điều kiện về môi trường, cơ chế, chính sách, góp phần tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn, đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư. Đây cũng là dịp để TP.HCM lắng nghe những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.

310a36870e64b73aee75-1728978422.jpg
Lễ trao hoa cho nhà đầu tư quan tâm dự án tại hội nghị.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực Văn hóa - Thể thao năm 2024 của TP.HCM là bước nhảy vọt táo bạo và đầy quyết tâm, thể hiện khát vọng vươn tầm của TP.HCM trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội cho thành phố và cả nước, đồng thời khẳng định vị thế của TP.HCM như một trung tâm văn hóa - thể thao hàng đầu khu vực và thế giới./.

Lê Thu - Võ Nga