Hà Nội: Khánh thành không gian công cộng đa chức năng từ bãi đất ven bờ sông Hồng

Một bãi đất bị bỏ hoang do ô nhiễm rác thải và nước sinh hoạt đã được cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng cho cộng đồng dân cư ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.
257917238-442968560651360-1033983271573201888-n-1643101493.jpg
Các tình nguyện viên tham gia khảo sát

Dự án được khởi xướng bởi mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và được triển khai bởi bốn tổ chức Think Playgrounds, Keep Hanoi clean, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) và ECUE.

Với sự chỉ đạo của Ban thường vụ Quận Ủy và UBND quận Hoàn Kiếm, hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Tài nguyên và Môi trường, và công tác giải phóng mặt bằng của UBND phường Chương Dương, dự án đã cùng với người dân tại chỗ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh phường Chương Dương, Urenco Hoàn Kiếm.

Các tình nguyện viên dự án đã dọn sạch hơn 200 tấn rác; tổ chức tập huấn cho cộng đồng về quản lý và giảm thải rác; xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra sông Hồng; làm vườn rừng cộng đồng; làm sân chơi cho trẻ em; làm đường kết nối cộng đồng với không gian xanh. Ngoài sự đóng góp công sức của nhiều cá nhân yêu mến Hà Nội, dự án nhận được sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, công ty Ford Việt Nam, và Cơ quan phát triển quốc tế Hòa Kỳ USAID.

Anh Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, “dự án thử nghiệm biến 1.500 mét vuông bãi rác thành một không gian xanh, sạch và đa chức năng đã cho chúng tôi nhiều hy vọng và kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng ra các khu vực khác của bờ Vở sông Hồng. Dự án thành công vì nó đã tạo ra một nền tảng để cho nhiều cá nhân, tổ chức chung tay. Ví dụ, hàng chục người yêu Hà Nội đã tình nguyện tham gia dọn rác, trồng cây; nhiều doanh nghiệp như công Ford Việt Nam góp tiền làm đường hoặc Công ty cổ phần kỹ thuật môi trường Hoa Việt góp gạch tái chế từ rác nhựa giá trị thấp lát lối đi; Sự ủng hộ của chính quyền quận Hoàn Kiếm và sự sát sao của phòng Tài nguyên và môi trường đã giúp giải quyết các khó khăn về giải phóng mặt bằng cũng như huy động được sự tham gia của các đoàn thể. Thực sự, đây là một hệ sinh thái xã hội nơi mà mỗi bên đóng góp một phần dựa trên vai trò và năng lực của mình để mở rộng thêm không gian xanh cho Hà Nội”.

257771665-442968387318044-6384323893844507694-n-1643101581.jpg
Khu đất nhiều rác thải sẽ được quy hoạch thành khu vui chơi

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập của Think Playgrounds rất tâm huyết với việc thiết kế và xây dựng vườn rừng cùng cộng đồng theo phương pháp trường canh (permaculture) cho biết “ngoài công việc truyền thống của TPG là xây dựng các sân chơi trong phố và cải tạo không gian công cộng thân thiện cho trẻ em, trong dự án này chúng tôi rất muốn triển khai ý tưởng vườn rừng sinh thái vì mô hình này giúp cho các khu dân cư có thể tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích cho trái đất, loài sinh vật và con người. Không gian không phải theo cách hoang hóa, ô nhiễm như trước đây mà là khu vườn rừng có bàn tay chăm sóc của con người. Không gian này không chỉ tạo cảnh quan đẹp mắt, mà còn mang lại quả ngọt, rau xanh, thuốc nam cho mọi người. Hơn thế, vườn cây còn góp phần cải tạo nguồn đất bị ô nhiễm, chống sạt lở, đồng thời kết nối con người với thiên nhiên và kết nối mọi người với nhau”.

Là tổ chức chịu trách nhiệm cho hoạt động dọn rác và tập huấn về quản lý rác thải, anh Douglas Lee Snyder, Giám đốc của Keep Hanoi Clean chia sẻ “Khi bắt tay vào dọn rác ở bờ vở sông Hồng, chúng tôi mới thấy đây là thách thức không nhỏ bởi lượng rác thực tế gấp nhiều lần so với chúng tôi ước lượng ban đầu. Các tầng rác ăn sâu xuống đất, có chỗ phải tới 3m nên chúng tôi phải thuê máy đào cả ngày lẫn đêm để khai quật rác lên, và tổng số lượng rác khoảng 20 xe tải. Thật may vì hoạt động này đã có sự giúp sức của khoảng 30 bạn tình nguyện viên tham gia dọn rác buổi sáng và buổi chiều nên chúng ta đã có không gian sạch đẹp như hôm nay”.

bo-vo-song-hong-9133-1643101673.jpg
Sân chơi cho trẻ em

Anh Douglas cũng cho biết, sau khi dọn rác, Keep Hanoi Clean đã tổ chức tập huấn cho người dân phường Chương Dương về lối sống không rác thải, phân loại rác, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, cũng như vai trò của hệ sinh thái tự nhiên đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.

Chị Đinh Thu Hằng, Phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), đơn vị hỗ trợ hoạt động quản lý nước thải và rác thải cho biết: “Bảo tồn nguồn nước là sứ mệnh của CECR trong hơn 10 năm nay. Trong dự án này, CECR đã đưa ra giải pháp lắp đặt hệ thống bể tự hoại composite để thu gom nước thải sinh hoạt, xử lý bằng các vi sinh vật kị khí và hệ thống bãi lọc trồng cây trước khi đổ ra sông Hồng. Câu chuyện rác phức tạp hơn rất nhiều vì nó không chỉ liên quan đến các vấn nạn môi trường, hành vi của hàng chục triệu con người, mà còn liên quan đến sinh kế của nhiều đối tượng trong đó có những người yếu thế. CECR đang từng bước cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân tại quận Hoàn Kiếm xây dựng mô hình tái chế rác nhựa giá trị thấp như túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần. Sản phẩm đầu ra của mô hình là những viên gạch tái chế của Công ty Cổ phần Kỹ thuật Môi trường Hoa Việt đã được lát trên 100m2 vườn cộng đồng”.

Hội phụ nữ phường Chương Dương là đơn vị trực tiếp tham gia vào dự án, chị Phạm Hồng Hạnh chủ tịch Hội phụ nữ cho biết “khi được Đảng ủy và UBND giao nhiệm vụ, chúng tôi đã huy động thành viên tham gia nhiệt tình vào dự án, từ việc nhặt rác đến làm vườn và trồng cây. Thực sự việc dọn sạch bãi rác khổng lồ, tích tụ nhiều năm đã thay đổi môi trường sống của người dân. Đồng thời nó cũng tạo điều kiện làm các hoạt động khác như sân chơi và vườn cộng đồng. Hội phụ nữ chúng tôi trực tiếp tham gia làm vườn và đến nay chúng tôi đã trồng được hơn ba mươi loài cây khác nhau, từ cây thuốc nam, rau, bầu bí cho đến các loại hoa và cây dài ngày như cây Bơ, cây Trứng Gà. Tôi thấy đây là một không gian tuyệt vời cho người dân thư giãn, giao lưu. Đặc biệt, nó còn là nơi hiếm hoi để cho trẻ em thành phố học về thiên nhiên, về cây cối, về môi trường”.

Ông Ngô Như Ý, Tổ trưởng tổ 5, khu dân cư Bạch Đằng 1, phường Chương Dương cũng như nhiều người dân địa phương đã rất vui khi dự án được triển khai và làm thay đổi chất lượng sống của họ. Ông Ý chia sẻ “chúng tôi đã mong mỏi khu vực này được cải tạo cả chục năm rồi và bây giờ nó đã trở thành hiện thực. Ngày trước, nơi đây toàn rác thải, nước bẩn, ô nhiễm môi trường. Còn bây giờ thì không gian không những mát mẻ, sạch sẽ mà còn đẹp, có chỗ vui chơi thì rõ ràng dự án này đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, cải tạo cảnh quan cho khu dân cư, đồng thời góp phần làm đẹp cho thành phố. Tôi rất ấn tượng với các tổ chức triển khai vì dù khối lượng công việc nhiều nhưng thời gian làm rất nhanh và chất lượng vẫn đảm bảo tốt”.

vuon-rung-cong-dong-5487-1643101721.jpg
Xây vườn cộng đồng

Là một đơn vị được được Quận ủy và UBND quận Hoàn Kiếm giao điều phối cùng bốn tổ chức và các bên, Ông Lê Đỗ Phương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận cho biết “Dự án làm sạch Sông Hồng dựa vào cộng đồng tại ngách 43/32 Bạch Đằng, phường Chương Dương” là dự án phù hợp với Chương trình 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025; Dự án cũng phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nên ngay từ khi nhận được Kế hoạch thực hiện dự án của Mạng lưới vì một Hà Nội đáng sống, chúng tôi đã tham mưu UBND quận báo cáo Thường trực quận ủy, đồng thời xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Dự án. Trong quá trình thực hiện Dự án chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ từ Quận ủy, UBND quận, các phòng ban ngành, UBND phường, các đơn vị hỗ trợ thực hiện Dự án và đặc biệt sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng dân cư sinh sống tại nơi thực hiện dự án. Đây là một dự án thí điểm đã thành công và kinh nghiệm để trong thời gian tới nhân rộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.”

Để chính thức khánh thành dự án và bàn giao cho cộng đồng và chính quyền địa phương sử dụng và quản lý trước Tết Nhâm Dần 2022, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, bốn tổ chức thực hiện dự án kết hợp với quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương và cộng đồng địa phương tổ chức buổi khánh thành vào cuối tháng 1 năm 2022./.