Cần Thơ: Doanh nghiệp và người sản xuất nông sản tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm

Ngày 29/7, tại thành phố Cần Thơ, đã diễn ra Diễn đàn Thúc đẩy kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Tham dự diễn đàn có ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng một số lãnh đạo ban, ngành TP. Cần Thơ…

untitled-1-1659143637.png
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn là cơ hội để doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân cùng các nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu lẫn nhau, qua đó tạo ra cơ hội từng bước thúc đẩy kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, an toàn và bền vững.

Cần Thơ có trên 75.000 ha diện tích đất trồng lúa, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Cần Thơ cũng có trên 21.000 ha diện tích trồng cây ăn trái các loại, sản lượng đạt trên 170.000 tấn/năm, với các loại cây phổ biến gồm: xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa, mận …

Ngành nông nghiệp thành phố cũng như hầu hết nông dân trên địa bàn rất cần các doanh nghiệp liên kết xúc tiên tiêu thụ nông sản trên địa bàn chủ yếu là các loại cây ăn trái như sầu riêng, nhãn, xoài, mít, mận… Đây là những loại nông sản có sản lượng lớn và phổ biến ở Cần Thơ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ trong thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID -19.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp chia sẻ yêu cầu đối với nông sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật như: sản xuất theo quy trình VietGAP, LobalGAP hoặc tiến tới đạt tiêu chuẩn Organic. Ngoài ra, các sản phẩm muốn tiêu thụ và xuất khẩu sang các thị trường khó tính để đạt giá trị kinh tế cao thì cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo từng thị trường khác nhau, đảm bảo số lượng ổn định, chất lượng đồng đều, quy mô sản xuất lớn…

Tuy nhiên, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân cho rằng, sản xuất nông sản theo các quy trình kỹ thuật như: áp dụng mô hình VietGAP, LobalGAP hoặc theo đúng các quy trình kỹ thuật mà các doanh nghiệp hướng dẫn đưa ra sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian, công sức và rất khó áp dụng do chưa quen.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất mong muốn các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, chính quyền tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, cơ chế chính sách như cho vay đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, vật tư, phân bón và các doanh nghiệp khi tham gia ký kết thu mua sản phẩm nông sản đảm bảo nông dân có được lợi nhuận khá. Hiện nay giá vật tư, phân bón tăng cao, trong khi giá bán thấp dễ dẫn đến thua lỗ…

base64-1630239350296460991715-1659143637.png
Diễn đàn là cơ hội để Doanh nghiệp,các Hợp tác xã sản xuất nông sản cần phải tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm (Ảnh minh họa).

Phát biểu, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện nay hoạt động tiêu thụ nông sản đang đi theo hướng cơ chế thị trường và phải thực hiện theo tiêu chuẩn của các nhà thu mua cũng như tiêu chuẩn của người tiêu dùng.

Tiêu thụ nông sản tùy vào tiêu chuẩn của từng quốc gia thu mua mà muốn bán được nông sản cho các quốc gia đó thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Mặt khác, muốn bán được sản phẩm phải có sự liên kết dù bằng lời nói hay hợp đồng bằng văn bản.

Qua diễn đàn cho thấy, mặc dù nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu tươi rất lớn, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân cũng rất nhiều nhưng việc hợp tác, liên kết thời gian qua chưa được hiệu quả. Diễn đàn là bước đầu để các bên từng bước lắng nghe và tìm hiểu lẫn nhau và tìm được tiếng nói chung, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm...

Lê Thuận