Kỷ lục theo định nghĩa này thường thiên về yếu tố tự nhiên, có tính duy nhất hoặc gần như bền vững theo thời gian như: Ngọn núi cao nhất, dòng sông dài nhất, hẻm vực sâu nhất... và các sự kiện lịch sử, văn hoá – xã hội, công trình... nổi bật mang yếu tố đầu tiên như:Trường Đại học đầu tiên; Khách sạn được xây dựng đầu tiên; Người đầu tiên bay vào vũ trụ… được con người thực hiện xét trên phạm vi một quốc gia. Hiểu theo khía cạnh này, những giá trị kỷ lục bất biến mang tính tính cực, không chỉ đơn thuần là những Kỷ lục thông thường, mà gắn liền và có tính nhận diện cao cho quốc gia, địa phương, cá nhân, đơn vị sở hữu.
Tháng 7/2022, tổ chức VietKings chính thức công bố Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố “đầu tiên” của Việt Nam trong hành trình tìm kiếm và công bố 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam - Lần I năm 2022. Cụ thể, Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố “đầu tiên” của Việt Nam gồm:
1. Quốc Tử Giám (Hà Nội): Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
Có thể nói, một trong những cái nôi của sự phát triển nền giáo dục nước ta đó chính là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng bởi vua Lý Thánh Tông vào năm 1070 để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư đạo Nho và cho Thái tử Lý Càn Đức (sau này ông lên ngôi và lấy niên hiệu là Lý Nhân Tông) đến học. Đến năm 1076, Văn Miếu còn có thêm Quốc Tử Giám dạy học cho con của các quan lại trong triều. Trải qua nhiều đời, nơi đây còn mở rộng số lượng học sinh, thu nhận con cái nhà thường dân có tài đến học. Năm 1762, đây chính là nơi đào tạo giáo dục cao cấp của triều đình.
Đây được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam và hiện nay đã trở thành quần thể di tích nổi tiếng tại Hà Nội.
2. Nhà máy thủy điện Ankroet (Lâm Đồng): Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam
Công trình Nhà máy thủy điện Ankroet được khởi công xây dựng từ năm 1942 và đi vào hoạt động năm 1945. Nhà máy thủy điện Ankroet nằm sâu trong thung lũng Đankia - Suối Vàng, thuộc vùng rừng núi ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, do người Pháp thiết kế, xây dựng để phát điện rồi hòa điện với nhà máy điện Diesel Đà Lạt, chủ yếu cấp điện cho TP. Đà Lạt, nơi được ví là Paris thứ hai của người Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Đến nay, các tổ máy đã được cải tạo, nâng công suất và tiếp tục phát, cấp điện cho TP. Đà Lạt. Đây được xem là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam.
3. “Đáng đời thằng Cáo”: Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam
Theo tư liệu từ Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì bộ phim đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam là một xuất bản phẩm thuộc thể loại đồ họa với nhan đề “Đáng đời thằng Cáo”.
Vào năm 1959, nhóm hoạ sỹ gồm: Lê Minh Hiền, Trương Qua đã bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim được chuyển thể từ câu chuyện “Con cáo và tổ ong”, có độ dài 10 phút. Bộ phim xoay quanh tình bạn gắn bó của hai nhân vật chính là Gấu và Gà.
4. Duyệt Thị Đường (Thừa Thiên Huế): Nhà hát quốc gia đầu tiên của Việt Nam
Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm thành (Hoàng thành, Kinh thành Huế) được xây năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng và là Nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn lại cho đến hôm nay.
Đây là nhà hát dành cho vua triều Nguyễn cùng hoàng gia, các quan đại thần cùng quan khách, sứ thần. Các chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường là ca múa nhạc và chủ yếu là các vở tuồng cung đình (hát bội), thường tổ chức vào các dịp lễ hay đón tiếp sứ thần ngoại giao.
Duyệt Thị Đường được hiểu là một gian nhà dành để xem biểu diễn nghệ thuật để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải.
Cụ thể, “Duyệt” là xem xét để phân biệt điều phải trái; “Thị” là xem; và “Đường” là ngôi nhà. Đây là một trong 4 nhà hát được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, bao gồm: Duyệt Thị Đường, Tịnh Quan Viên, Minh Khiêm Đường và Cửu Tư Đài.
5. Tràng Tiền Plaza (Hà Nội): Trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam
Đầu thế kỷ XX, thương xá đầu tiên của xứ Đông Dương, Maison Godard (hay Grands Magasins Réunis - CMR) có mặt trên phố Paul Bert tại Hà Nội, nay là Tràng Tiền Plaza.
Trung tâm thương mại này được xây dựng lần đầu năm 1901, trở thành biểu tượng Hà Nội và mang đậm dấu ấn lịch sử. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, Tràng Tiền Plaza là một trong những minh chứng lịch sử, hình ảnh mang tính biểu tượng mỗi khi nhắc về Hà Nội. Được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901, Tràng Tiền Plaza khi ấy được gọi là Maison Godard (nhà Godard). Maison Godard chỉ phục vụ cho khách người Pháp và người Việt giàu có, được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn chỉ có các chợ truyền thống.
Đến tháng 9/1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa tổng hợp, hay còn gọi là Bách hóa Tràng Tiền, với 2 tầng chính kinh doanh, buôn bán tất cả các loại mặt hàng thông dụng nhất phục vụ đời sống, cho đến hàng nhập khẩu xa xỉ phục vụ người nước ngoài và tầng lớp trung lưu như đồ trang sức, sành sứ, giày dép, nước hoa, đồng hồ, đồ nội thất… Trở thành một trong những biểu tượng lịch sử thương mại của Hà Nội trong suốt thế kỷ XX. Ngày nay, Tràng Tiền Plaza mang dấu ấn của phong cách kiến trúc kiểu Pháp, trang nhã, sang trọng nhưng cũng không kém phần tinh tế. Đây là trung tâm mua sắm sang trọng cao cấp, quy tụ hơn 200 thương hiệu đẳng cấp trong nước và quốc tế, trong đó có thể kể đến các tên tuổi đình đám như Louis Vuitton, Dior, Rolex, Cartier…
6. Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (Hòa Bình): Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam
Đồn điền Chi Nê (tỉnh Hòa Bình) nơi đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồn điền Chi Nê được xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng 7.331 ha. Tại đây, chủ đồn điền Bô-Ren (người Pháp) đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò. Năm 1943, Bô-Ren bán lại đồn điền cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá hai nghìn lượng vàng. Sau đó ông hiến lại Chính phủ để lập nhà máy in tiền. Từ đây, Chính phủ Việt Nam có nhà in riêng, được tổ chức lại đàng hoàng để ngày đêm in bạc. Để che mắt địch và bọn phản cách mạng tìm cách phá rối, nhà in được mang tên là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục.
Tại đây, những tờ “Giấy bạc Tài chính - Giấy bạc cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam.
7. Làng tre Phú An (Bình Dương): Khu bảo tàng và bảo tồn sinh thái tre đầu tiên của Việt Nam
Dự án xây dựng khu bảo tồn sinh thái tre được bắt đầu từ năm 1999 dựa trên công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh - TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh cùng với sự trợ giúp của các đơn vị: UBND tỉnh Bình Dương, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, vườn thiên nhiên Pilat, vùng Rhone Alpes. Đây là khu bảo tàng, bảo tồn hệ sinh thái tre xanh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Quần thể làng tre Phú An gồm có bảo tàng thực vật và bảo tàng sinh thái tre, nơi lưu giữ và phát triển hơn 300 mẫu tre nứa, trong đó có hơn 90% là giống cây của Việt Nam và nhiều giống quý hiếm như: luồng (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh, tre vuông, mai ống, tre vàng sọc…
8. Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Hồ Chí Minh): Trường THPT lâu đời nhất Việt Nam
Trường được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877, giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène (trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa) lúc bấy giờ là Francois Marquis de Chasseloup Laubat (1754 - 1833).
Năm 1954, Trường tiếp tục đổi tên một lần nữa thành Jean Jacques Rousseau (tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào “Ánh sáng” thế kỷ XVIII) nhằm tránh gợi nhớ thời thuộc địa, nhưng vẫn do người Pháp quản lý, chủ yếu dạy học sinh người Việt. Tới năm 1970, trường được giao trả cho người Việt và đổi tên là Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, học từ lớp 1 đến lớp 12.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 29/8/1977, UBND Thành phố ký Quyết định thành lập trường PTTH Lê Quý Đôn. Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay thuộc hệ thống công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
9.Vinasat-1: Vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam
Được khởi động từ năm 1998, VINASAT-1 là dự án vệ tinh có tổng giá trị đầu tư khoảng 300 triệu USD với thời gian hoạt động 15 năm, được giao cho Tập đoàn VNPT làm chủ đầu tư xây dựng và triển khai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chọn Lockheed Martin Commercial Space Systems (Hoa Kỳ) làm nhà thầu cung cấp vệ tinh Vinasat (gói thầu số 3 - gói thầu quan trọng nhất của dự án phóng vệ tinh Vinasat) và phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy Ariane 5 ECA (do hãng Arianespace của Pháp cung cấp).
Đúng 5h17 phút ngày 19/4/2008 (giờ địa phương) từ Kourou (French Guiana), vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam Vinasat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Đây là sự kiện lịch sử của ngành viễn thông, đánh dấu việc Việt Nam có chủ quyền trên quỹ đạo không gian.
10. Cầu Long Biên (Hà Nội): Cây cầu thép đầu tiên của Việt Nam
Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 12 tháng 9 năm 1898, cầu Long Biên là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng do thực dân Pháp xây dựng. Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 28/2/1902 cầu Long Biên chính thức được khánh thành với tên gọi cầu Dourmer, tên của vị toàn quyền Đông Dương sở tại.
Cầu có chiều dài là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa, hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó.
Các Kỷ lục Bất biến tiếp theo sẽ được VietKings tiếp tục tìm kiếm, đề cử và công bố trong Top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam lần I năm 2022. Được biết, VietKings sẽ công bố và trao tặng Top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam lần thứ I tại sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 55 đầu năm 2023.