Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam hoàn thành xuất sắc kế hoạch 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC; HNX: PVS) ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 28% so với kế hoạch tăng 7% so với thực hiện cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 của PTSC là 7.300 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023, bằng 55% kế hoạch năm 2023, giảm 7% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 là 400 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023, bằng 51% kế hoạch năm 2023, tăng 7% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.200 tỷ và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 780 tỷ đồng trên cơ sở giá dầu kế hoạch 80 USD/thùng.

0296c7ba7362853cdc73-1688031263.jpg
PTSC ước lãi 400 tỷ đồng 6 tháng đầu năm. (Ảnh: PTSC)

Trong tháng 5/2023, công ty đã ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi Dự án CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc) với khách hàng là Tập đoàn Orsted (Đan Mạch). Cụ thể, PTSC sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không cho tuabin và sẽ lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 vào cuối năm 2025. Dự án ước tính sử dụng 70.000 tấn thép và mang lại hàng nghìn việc làm tại PTSC và các nhà thầu trong chuỗi cung ứng.

Ngày 28/6, PTSC được vinh danh "Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2023", lễ công bố do Báo đầu tư phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) tổ chức./.

Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN). Được thành lập trên cơ sở triển khai quyết định số 458/TTg ngày 24/11/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu. Lĩnh vực hoạt động chính của PTSC là cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho dầu khí, công nghiệp. Trong đó, có nhiều loại hình dịch vụ chiến lược, mang tính chất mũi nhọn, đã phát triển và được chuyên nghiệp hóa đạt trình độ quốc tế như: EPCI công trình biển; EPC công trình công nghiệp; Kho nổi xử lý và xuất dầu thô FSO/FPSO; Tàu dịch vụ dầu khí; Khảo sát địa chấn, địa chất và công trình ngầm; Lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển; Cảng dịch vụ, Dịch vụ cung ứng nhân lực kỹ thuật và các Dịch vụ cho dự án năng lượng tái tạo./.
Khánh Ngân