Tôn vinh nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai - Bông hoa bất tử trên chiến trường

Ngày 20/10, trong không khí rộn ràng của ngày Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức một buổi lễ trang trọng và đầy ý nghĩa, tiếp nhận một kỷ vật quý giá - khẩu súng K54, số hiệu 18366 của nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai.

Khẩu súng này là món quà mà Nữ tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, đã trao tặng cho bà Nguyễn Thị Mai nhân dịp Đại hội Chiến sĩ thi đua Toàn miền năm 1967.

a4ee48e3e6565f080647-1729410766.jpg
Buổi lễ tiếp nhận hiện vật khẩu súng k54 của nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai.

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), lòng chúng ta lại hướng về những chiến công thầm lặng của phụ nữ Việt Nam, những bông hoa kiêu hãnh nở rộ giữa chiến tranh, mang trong mình dòng máu yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.

Hôm nay, tại ngôi nhà 272 Bàu Cát, phường 11, quận Tân Bình, nơi nữ chiến sĩ Biệt động Nguyễn Thị Mai từng sinh sống, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận một kỷ vật vô cùng ý nghĩa: khẩu súng K54, số hiệu 18366, được Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng Mai nhân dịp Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Miền năm 1967.

Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, các cựu chiến binh, những người con của đất Sài Gòn, những người từng sống trong thời chiến tranh và những thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang trọng, ấm cúng, xen lẫn niềm tự hào và xúc động. Những câu chuyện về nữ chiến sĩ Biệt động Nguyễn Thị Mai được kể lại, những hình ảnh về cuộc sống, chiến đấu của bà được tái hiện, khiến lòng người bồi hồi, xúc động.

Bà Nguyễn Thị Mai, tên thật là Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1943 tại Thôn Quảng Đại, Xã Đại Cường, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. Cha mẹ bà, cùng 4 anh chị em đều tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, trong đó có 1 liệt sĩ.

Bà Mai được kết nạp Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam vào ngày 23/03/1967. Từ năm 1959, bà tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1960, do bị lộ, bà được tổ chức đưa vào hoạt động tại đơn vị Biệt động 90C, thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Tại đây, bà Mai đảm nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng tại Bảy Hiền, nuôi dấu cán bộ, xây dựng hầm chứa vũ khí. Bà là giao liên mật, trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí, chiến đấu tiêu diệt địch, phá hoại các cơ sở của chúng.

Bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, dù nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man. Nhưng trước đòn roi của kẻ thù, bà vẫn kiên trung bất khuất, giữ vững khí tiết của người Đảng viên, người chiến sĩ cách mạng. Ra tù, bà Mai tiếp tục chiến đấu và công tác cho đến ngày đất nước thống nhất.

Trong suốt quá trình hoạt động, bà Mai được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, nhiều Huân huy chương, Bằng khen. Năm 1967, bà được bình bầu là Chiến sĩ thi đua, được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn Miền và được Nữ tướng Nguyễn Thị Định trao tặng khẩu súng ngắn K54.

0d10d5ca077fbe21e76e-1729411208.jpg
Khẩu súng K54, số hiệu 18366 của nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai được Nữ tướng Nguyễn Thị Định trao tặng năm 1967.

Sự kiện này không chỉ là một minh chứng cho tài năng, lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường của bà Mai mà còn thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Nữ tướng Nguyễn Thị Định đối với những đóng góp của bà cho cách mạng.

Hơn 50 năm đã trôi qua, khẩu súng K54 vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp, sự sắc bén của nó, như một lời nhắc nhở về những tháng năm đầy gian khổ, hy sinh của những nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Giờ đây, bà Mai đã không còn, nhưng sự hy sinh, lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của bà vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người con Việt Nam.

Buổi lễ tiếp nhận khẩu súng K54 của bà Mai của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một sự kiện ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với những hy sinh, đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã và đang nỗ lực gìn giữ, bảo quản những hiện vật lịch sử, để nhân dân gần xa và thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp xúc với những hiện vật quý báu này.

57ccc5cc6d79d4278d68-1729411318.jpg
Trong buổi lễ ý nghĩa, ông Huỳnh Đức Dũng (bìa phải), con trai cả của nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai, đã trao tặng kỷ vật của mẹ cho ông Trần Vũ Bình, đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Thông qua những hiện vật lịch sử, những câu chuyện về các nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định, thế hệ trẻ sẽ được tiếp cận với lịch sử hào hùng của dân tộc, học hỏi tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của cha anh đi trước, để tiếp nối truyền thống cách mạng, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Buổi lễ cũng là lời tri ân sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, những người đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, phụ nữ Việt Nam đã gánh vác trọng trách trên vai, vừa đảm nhiệm vai trò người mẹ, người vợ, người con gái hiếu thảo, vừa tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Họ đã không ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do cho đất nước. Họ là những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, luôn hết lòng vì nước, vì dân, xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất của dân tộc.

Ngày 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, để mỗi người con đất Việt thêm yêu thương, trân trọng và tự hào về những gì mà các thế hệ phụ nữ đã làm nên cho đất nước./.

Lê Thuận - Lê Thu