Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng thế kỷ XX

Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh năm 1927 ở tỉnh Sa Đéc, Nam Bộ, là cháu ngoại chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 1948, hoạt động chống Pháp ở Sài Gòn, lấy bí danh là Yến Sa.
5113-nguyen-thi-binh-1643102321.jpg
Bà Bình ký các văn bản tại Hội nghị Paris

Năm 1961, bà làm công tác đối ngoại của Ủy ban Thống nhất tại Hà Nội, đổi tên là Nguyễn Thị Bình để bảo đảm bí mật. Thân sinh làm trắc địa ở Campuchia, đưa cả gia đình sang sống ở Phnompenh. Vì vậy, Nguyễn Châu Sa học trường Lycée Sisowath, trường trung học lớn nhất của Campuchia nên rất thông thạo tiếng Pháp, lại có khuôn mặt xinh tươi, vóc dáng thon thả, hợp với nghề ngoại giao.

Suốt 14 năm làm công tác ngoại giao, Bà đã tham dự nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng ở các nước châu Âu, trong đó có 5 năm là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.

49 năm trước, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết sau 4 năm đàm phán. Trong khoảng thời gian đó, một nhân vật được báo chí phương Tây trân trọng ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ là bà Nguyễn Thị Bình, được gọi thân mật là "Madam Bình".

Hai giờ chiều ngày 2-11-1968, bầu trời Paris u ám và giá lạnh, bà Nguyễn Thị Bình trong bộ áo dài màu hồng sậm, khoác măng tô xám với chiếc khăn quàng đen điểm hoa, cùng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam bước xuống sân bay Bourget giữa đám đông người chào đón, trong đó có nhiều nhà báo. Máy ảnh chớp lia lịa.

Bước vào phòng khách danh dự, bà cố gắng nói to, dõng dạc 5 điểm giải pháp của Mặt trận, bà Bình Thanh (Thanh Vân, chị gái bà Bình), dịch rõ ràng mạch lạc. Cánh nhà báo ngạc nhiên, im lặng, rồi xung quanh vang tiếng bàn ghế gãy, kính vỡ loảng xoảng và cãi cọ om xòm vì ai cũng muốn đứng gần bà Bình để ghi hình, ghi tiếng tốt hơn.

Ông Xuân Thủy (Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) cùng bà Bình đi trên đoàn xe bóng loáng, phấp phới lá cờ nửa đỏ nửa xanh, có ô tô, mô tô của cảnh sát Pháp dẫn đường và hộ tống, bà con Việt kiều và người dân Paris đứng chật hai bên đường sững sờ, xúc động.

5115-nguyen-thi-binh2-1643102390.jpg
Madam Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo

Hôm sau tất cả các báo Pháp và báo của các nước phát hành ở Paris đều chạy tít lớn: “Đại diện của Việt cộng đã đến Paris” và những lời bình rất kêu: “Việt cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp Madam Bình ở Paris”; “Madam Bình như một bà hoàng được đón như một quốc trưởng với đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt”; “Madam Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris! Rất tuyệt! Thật hiếm có!”.

Nhiều nhà báo đeo bám đến nơi ở, có nhà báo leo qua tường, có người đặt máy ảnh giữa kẽ hở cánh cửa để bất chợt chụp được những tấm ảnh đặc biệt của “đoàn Việt cộng”, nhất là ảnh Madam Bình ở biệt thự Thévent.

Trong 4 năm đàm phán, bà Bình đi thăm nhiều nước để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Tháng 4-1969, thăm Anh, một nước luôn ủng hộ Mỹ. Chuyến thăm tốt đẹp hơn cả mong đợi. Kết thúc buổi đón tiếp long trọng, Madam Bình từ trên đài cao bước xuống, đi diễu hành giữa hai hàng cảnh binh bảo vệ. Giữa quảng trường Trafalgar lớn, rừng người hô vang khẩu hiệu “Đoàn kết với Việt Nam!”, “Chấm dứt chiến tranh!”.

Chuyến thăm Thụy Điển năm 1970, được đích thân Thủ tướng Olof Palme (1927-1986) tiếp và cùng Madam Bình dẫn đầu cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam. Nữ nhà văn Sara Lidman (1923-1976) nổi tiếng ở Bắc Âu, tiếp và nói: “Chị Bình ơi, Việt Nam đang có một nền văn hóa dân tộc vô cùng quý giá…”.

Trong buổi trả lời phỏng vấn. Có nhà báo hỏi: “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”. Bà Bình trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”.

Nhà báo hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?” . Bà Bình dứt khoát: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.

Giữa năm 1971, truyền hình Pháp tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington, có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người, phần lớn là Pháp trung lập. Bà Bình một mình giữa các nhà báo sừng sỏ, dưới ánh đèn sáng chói đã bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh. Ông Xuân Thủy gọi điện khen: “Cô rất dũng cảm”.

5109-madam-binh-1643102452.jpg
Bà Bình với các bạn Mỹ

Khi Mỹ huy động máy bay B52 ném bom Hà Nội, ai cũng hồi hộp, lo lắng. Bà Bình được gọi về. Giữa đêm 30-12, về đến Hà Nội, bà đi thăm phố Khâm Thiên bị B52 tàn phá tối 26-12 với nỗi căm giận kẻ thù tàn bạo. Thăm hai đứa con nhỏ thương yêu, sống xa mẹ nhiều năm, sơ tán ở thị xã Hưng Yên.

Ngày 21-1-1973, trở lại Paris, bà Bình mở ngay cuộc họp báo, tuyên bố: “Chỉ có một nước Việt Nam, chỉ có một dân tộc Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời là đại diện của nhân dân miền Nam!”.

Hãng AFP mô tả: “Madam Bình mặc áo dài truyền thống của Việt Nam bằng lụa vân màu xanh lá cây, trông rất thoải mái. Đôi lúc Madam Bình nở nụ cười làm khuôn mặt càng rạng rỡ, trả lời các nhà báo rõ ràng khúc chiết, làm cho người ta có cảm giác đứng trước một quý bà đầy bản lĩnh, đầy tự tin”.

Ngày 27-1-1973, họp phiên chính thức ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh Việt Nam”. Phóng viên hãng AP của Mỹ mô tả Trung tâm hội nghị Kléber tràn ngập biển người và cờ Việt Nam, cờ Mặt trận. Họ tung hô Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Bình: “Hoan hô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời!”.

Mỗi vị ký vào 32 văn bản của Hiệp định. Phóng viên UPI của Mỹ viết: “Buổi lễ ký kết hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong khung cảnh huy hoàng tráng lệ của thế kỷ XIX và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất mà thế kỷ XX có thể tạo ra. Bốn Ngoại trưởng, 2.000 cảnh sát và an ninh bảo vệ nghiêm cẩn”.

Bà Bình nhớ rõ, với 174 phiên họp chính thức, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức hơn 500 cuộc họp báo và 1000 lần trả lời phỏng vấn báo chí. Ngày 29-1-1973, hai đoàn Việt Nam tổ chức chiêu đãi các nhà báo.

Ông Lê Đức Thọ hoan nghênh và cảm ơn các nhà báo. Cả phòng họp với hơn 400 nhà báo quốc tế đứng dậy vỗ tay hồi lâu. Đó là một ngoại lệ chưa từng có trong các cuộc họp báo trước đó./.