Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng để giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức phát động "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; động viên các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Sau lễ ra quân, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, thành phố Đồng Hới và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia trồng hàng trăm cây xanh ở bên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Đồng Hới. Dịp này, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh Quảng Bình cũng tổ chức ra quân trồng cây đầu xuân trong khuôn viên cơ quan, các tuyến đường, khu dân cư hoặc những triền đất gần nơi đóng quân của các đơn vị tạo môi trường cảnh quan.
Tại thành phố Yên Bái, sáng 3/2, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2025), tỉnh Yên Bái đã phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Xuân Ất Tỵ 2025.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Trúc cho biết, năm 2024, thành phố Yên Bái trồng mới được hơn 10.000 cây xanh đô thị, gần 203.000 cây xanh phân tán, diện tích trồng rừng tập trung đạt 185ha, độ che phủ rừng của thành phố ổn định ở mức 31.51%.
Việc phát động Tết trồng cây của Yên Bái năm 2025 theo hướng thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo thế giới về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Kiều Tư Giang cho biết, năm 2024, Yên Bái trồng mới đạt 15.757ha, bằng 105,1% kế hoạch, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 63%.
Bên cạnh những giá trị to lớn về môi trường, kinh tế lâm nghiệp bước đầu phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng quế; vùng tre măng Bát Độ, vùng cây sơn tra.
Sản lượng gỗ khai thác mỗi năm đạt gần một triệu mét khối, đưa Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển rừng trồng sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản của vùng và cả nước. Năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới 15.500ha rừng, duy trì độ che phủ rừng đạt 63%.
Hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ", ngày 3/2, tại khu vực rừng cộng đồng thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động Tết trồng cây năm 2025.
Phát động Tết trồng cây năm 2025, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tết trồng cây đã trở thành một ngày hội lớn, nét đẹp văn hóa riêng có của Việt Nam được nhân dân ta gìn giữ và phát triển; phong trào trồng cây, gây rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu luôn được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể.
Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh, đặc biệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025"... những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã luôn tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ, quan trọng, gắn trồng cây với quá trình phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Với nỗ lực không ngừng, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh luôn ổn định và tăng qua từng năm, chất lượng rừng từng bước được nâng cao, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55%.
Tuy nhiên, tháng 9/2024, do ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi (cơn bão số 3) đã gây thiệt hại to lớn khiến 128.873ha rừng trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ, tỷ lệ che phủ rừng giảm ước còn 42%, tổng giá trị thiệt hại ước trên 5.000 tỷ đồng, vừa thiệt hại lớn về kinh tế, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống.
Ông Nghiêm Xuân Cường nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu tái tạo màu xanh mới bằng những cánh rừng trồng, trong ngày hội Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025, các cấp chính quyền cùng nhân dân thể hiện sự quyết tâm, chung tay, đồng hành, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, thiên tai, thực hiện tái thiết, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bền vững, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Sau lễ phát động Tết trồng cây năm 2025, tại địa bàn tỉnh sẽ thực hiện trồng mới trên 112.000 cây rừng, chủ yếu là cây gỗ lớn. Lễ phát động Tết trồng cây năm 2025 không chỉ là những việc làm cụ thể, dấu ấn đậm nét về quyết tâm học và làm theo lời Bác, mà còn là động lực quan trọng nhằm lan toả, cổ vũ, động viên phong trào trồng cây, gây rừng rộng khắp toàn tỉnh. Từ đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ những “lá phổi xanh”, bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân không chỉ cho hôm nay, mà cho cả các thế hệ mai sau.
Phong trào tết trồng cây, trồng rừng đã trở thành nét đẹp văn hóa và là định hướng cho sự phát triển bảo vệ môi trường góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng, tạo điều kiện để phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng bền vững. Tết trồng cây đã trở thành phong trào thiết thực của nhân dân cả nước trong những ngày vui Tết, đón Xuân./.