Tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10/2022, do S&P Global công bố cho thấy thực trạng không mấy sáng sủa về ngành sản xuất, xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng mới thấp nhất trong hơn một năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang cũng không nằm ngoài tình hình đó.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế kém lạc quan, sức mua của người dân giảm dẫn đến việc dù nhiều doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu mua dự trữ nhiều hàng hóa trước đó nhưng hàng bán rất chậm.

Gần đây, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao nên người dân toàn cầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các DN gia công.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, tổng số lao động trong các KCN của tỉnh đến tháng 11 năm nay hơn 186 nghìn người, giảm 2 nghìn người so với tháng trước và giảm khoảng 2,5 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Số lao động giảm là do các DN thiếu đơn hàng nên người lao động không có việc làm, phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng, không còn DN làm tăng ca, thêm giờ như trước.

Nhằm đảm bảo chế độ cho người lao động, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường mới, xem xét cho công nhân nghỉ luân phiên, nghỉ phép song vẫn chi trả thu nhập theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 4/11/2022 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ban Quản lý Các KCN tỉnh tăng cường công tác quản lý việc chấp hành pháp luật lao động của các DN trong KCN, kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng phối hợp xử lý các hành vi vi phạm theo quy định; phối hợp ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động của DN trong KCN.

detmay20-1669705709.jpg
Thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp đang gặp khó. (Ảnh: alibaba.edx.vn)

Theo ông Hoàng Văn Lược, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tổng Công ty May LNG huyện Lục Nam, đơn vị chuyên may quần áo xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu từ nhiều năm nay. Tháng 10 và 11 năm nay, Công ty bị giảm 10% đơn hàng xuất khẩu, dự kiến trong tháng 12 đơn hàng có thể giảm tới 15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp trên đã phải giảm giờ làm của người lao động từ 8 tiếng/ngày xuống còn 7 tiếng và dự kiến sẽ cho 2,6 nghìn công nhân nghỉ ngày thứ 7 luân phiên trong tháng tới nếu đơn hàng xuất khẩu không được cải thiện.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, huyện Hiệp Hòa cho biết, thường vào quý IV năm trước, DN đã ký được các đơn hàng với đối tác cho quý I năm sau. Thế nhưng hiện nay, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm; việc ký đơn hàng mới cho những tháng đầu năm sau chưa được thực hiện. Nhiều tháng DN đã bị thua lỗ.

DN sản xuất, gia công linh kiện điện tử; pin năng lượng mặt trời cũng gặp tình trạng tương tự. Công ty TNHH Vina Solar Technology, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang các nước châu Âu. Trước đây, người lao động của Công ty có thời điểm đông lên tới 5 nghìn người nhưng nay do đơn hàng sụt giảm, số lao động giảm còn gần 3 nghìn người.

Khánh Ngân (t/h)