Tín dụng xã hội được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyễn Xuân Thắng tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 16/8.
ngan-hang-2-1692180344.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nổi bật nhất, theo ông, là việc đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022. Kết quả, đến hết tháng 7, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng, tăng hơn 190.000 tỷ đồng, tức gấp 2,4 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. Trong đó, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, hàng năm, NHCSXH đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường… bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”.

ngan-hang-3-1692180388.jpg
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách.

Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2023 đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN gần 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào DTTS trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

"Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay", Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng chia sẻ.

Các tham luận tại hội thảo đã bám sát, tập trung phân tích và làm rõ quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người dân, trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.

Trần Minh