Thái Nguyên:

Tín chỉ carbon rừng những chuyển động và kỳ vọng hướng tới

Với lợi thế về tài nguyên rừng, tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều nỗ lực phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển vùng nguyên liệu gỗ gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản. Đồng thời, các Ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên đang theo dõi sát sao lộ trình phát triển và thời gian triển khai thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, sẵn sàng đón đầu cơ hội tham gia, góp phần vào mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
1-trong-rung-tin-chi-cac-bon-1-1719198642.jpg
Hiệp hội Quản trị rừng quốc tế đã, đang chuẩn bị cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 7.500 ha rừng tại 3 huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ.

Từ nỗ lực phát triển lâm nghiệp bền vững

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 3019/QĐ-UBND ngày 24/9/2021, phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó thực hiện mục tiêu quan trọng là phát triển vùng nguyên liệu gỗ gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Với diện tích trên 108.000 ha rừng sản xuất, mục tiêu phát triển diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, kết quả thực hiện đến nay đã đạt khoảng 8.500 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Tập trung việc nâng cao năng suất chất lượng để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, thâm canh rừng trồng, phấn đấu tăng trưởng bình quân hang năm trung bình đạt khoảng 15-20 m3/ha/năm, năng suất rừng trồng bình quân đến khi khai thác đạt 100-150 m3/ha/chu kỳ.

Tỉnh phấn đấu tới năm 2025, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.438 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng (giá hiện hành); Năm 2030 đạt 10.919 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm gỗ lớn đạt 7.169 tỷ đồng (giá hiện hành). Giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh là 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm là 430 triệu đồng/ha/chu kỳ; giá trị sản phẩm gỗ nhỏ là 75 triệu đồng/ha/chu kỳ.

2-trong-rung-tin-chi-cac-bon-2-1719198647.jpg
Trồng quế đem lại thu nhập cao, ổn định cho đồng bào các dân tộc vùng ATK Định Hóa.

Thái Nguyên cũng định hướng phát triển vùng trồng quế tập trung tại huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai. Mục tiêu phát triển diện tích quế toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha; giá trị sản phẩm quế đến năm 2025 đạt 1.261 tỷ đồng, năm 2030 đạt 3.149 tỷ đồng (giá hiện hành). Đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng được 4.050 ha Quế, đạt 62,3% kế hoạch đến năm 2025.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và cung ứng giống có uy tín và chất lượng, năng lực sản xuất giống cây lâm nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn, hiện có có 107 cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, công suất trên 20 triệu cây/năm, gồm: Keo tai tượng giống nội và ngoại, Keo lai mô, Keo lai hom, Mỡ, Lát hoa, Lim xanh, Giổi, Quế...Việc quản lý tốt giống cây trồng lâm nghiệp góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.

Những chuyển động trên thị trường tín chỉ carbon

Tại tỉnh Thái Nguyên tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,6% diện tích tự nhiên và chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây xanh tại khu dân cư, cơ quan, trường học và các khu, cụm công nghiệp. Tiêu biểu là các địa phương trong tỉnh có lợi thế về phát triển lâm nghiệp đã tiến hành quy hoạch, xây dựng các tiêu chí để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ, tín chỉ chuyên môn về rừng…

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 178.800 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, gồm: Rừng đặc dụng (36.000 ha), rừng phòng hộ (43.000 ha) và rừng sản xuất (99.000 ha). Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh hiện đạt 47,6% (cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung của cả nước). Đặc biệt, Hiệp hội Quản trị rừng quốc tế đã, đang chuẩn bị cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 7.500 ha rừng tại 3 huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ. Tuy nhiên, từ chứng chỉ rừng bền vững FSC đến tín chỉ carbon và đủ điều kiện giao dịch thu về nguồn ngoại tệ, cơ quan chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện còn phải thực hiện thêm nhiều nội dung chuyên môn về rừng…

Ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Khi người trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo hệ sinh thái của rừng trồng, người trồng rừng được doanh nghiệp tư vấn về kỹ thuật, quá trình chăm sóc, theo dõi sự phát triển của rừng. Đặc biệt doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm gỗ cao hơn giá thị trường.

Với những lợi ích mà chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC mang lại, đa số các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đồng loạt hưởng ứng tham gia triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ FSC. 

3-trong-rung-tin-chi-cac-bon-3-1719198712.jpg
Cán bộ Hạt kiểm lâm Định Hóa kiểm tra cây giống phục vụ trồng rừng.

Tại huyện Đồng Hỷ diện tích đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 892,19 ha (nâng tổng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện là 2.224,09 ha với số hộ gia đình tham gia 851 hộ), huyện Đại Từ, tổ chức GFA đã đánh giá xong các tiêu chí và cấp chứng chỉ rừng FSC tại 3 xã Yên Lãng, Minh Tiến và Đức Lương với diện tích 1.521 ha trong tháng 01/2024.

Trong quá trình xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp của các đơn vị liên quan, sự ủng hộ của chính quyền và cộng đồng địa phương.

Theo ông Dương Sơn Hà - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên, hiện nay tỉnh đang rà soát, xây dựng bản đồ tín chỉ carbon. Điều này sẽ tạo cơ sở để đánh giá về diện tích, trữ lượng tín chỉ carbon rừng. Trong đó xác định cụ thể lưu vực, ranh giới rừng và các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Đây là những bước đi đầu tiên để Thái Nguyên từng bước tham gia thị trường tín chỉ carbon nhằm tăng thêm nguồn thu cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người trồng rừng. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng để tăng khả năng hấp thụ khí CO2 (carbon dioxide), từ đó tăng trữ lượng carbon của rừng.

Hiện nay, các Ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên đang theo dõi sát sao lộ trình phát triển và thời gian triển khai thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam, cũng như việc hoàn thiện khung pháp lý để định hướng cho hoạt động này, sẵn sàng đón đầu cơ hội tham gia vào thị trường tín chỉ Carbon, góp phần vào mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường./.

Bình Châu