Pôn Pốt là tên cầm đầu Khmer Đỏ, cùng với “tay chân” của mình, y đã gây ra nạn diệt chủng ở Campuchia và đau khổ cho nhiều người dân Việt Nam. Khmer Đỏ ban đầu tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản. Thế nhưng, sau khi tiếm quyền năm 1963, trở thành lãnh đạo Khmer Đỏ, Pol Pot (Pôn Pốt) đã tiêu diệt những đảng viên phản đối tư tưởng cực đoan của ông ta, dần đưa Khmer Đỏ thành một tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
Chế độ Khmer Đỏ đã tiến hành cuộc diệt chủng ở Campuchia, gây chiến với VIệt Nam, gây ra cái chết của gần ba triệu người. Tập đoàn Pôn Pốt lãnh đạo Khmer Đỏ gồm có 5 thành viên. Pôn Pốt được gọi là “anh Cả”, Nuôn Chia là "anh Hai" hay "cánh tay phải" của Pôn Pốt; "anh Ba" Iêng Xa-ri, anh em đồng hao của Pôn Pốt và Khiêu Xam-phon “anh Tư”, Tà Mốc là “anh Năm”. Pôn Pốt sinh năm 1928 tại tỉnh Kông-pông Thom, kẻ cầm đầu tập đoàn phản động cực đoan ở Campuchia.
Nuôn Chia (Noun Chea) sinh năm 1926 tại tỉnh Battambang, một người Khme gốc Hoa. Khi Campuchia Dân chủ được thành lập, Chia được biết đến với biệt danh "anh Hai", nhà tư tưởng giúp thiết kế mô hình nhà nước, đồng thời là đạo diễn “cánh đồng chết”. Y giữ vị trí phụ trách công tác đảng và an ninh quốc gia với công việc chủ yếu là trừ khử những thành phần mà chúng cho là chống phá cách mạng trong và ngoài đảng. Khi tập đoàn Pôn Pốt giành được chính quyền năm 1975, Nuôn Chia được làm Chủ tịch Quốc hội. Nuôn Chia là người trực tiếp chỉ đạo các hoạt động bắt bớ, tra tấn và hành quyết những cán bộ bị tình nghi chống lại Pôn Pốt.
Iêng Xa-ri (Ieng Sary) sinh năm 1925. Cùng năm Pôn Pốt được bầu làm Tổng bí thư, Iêng Xa-ri được chỉ định vào Bộ Chính trị giữ vị trí thứ tư trong đảng. Sau ngày 17/4/1975, Iêng Xa-ri giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại trong chính phủ Campuchia Dân chủ. Y cũng đóng vai trò lớn trong cuộc diệt chủng Campuchia.
Khiêu Xam-phon (Khieu Samphan) sinh năm 1931, cha là người Khmer, mẹ người Hoa. Sau cuộc đảo chính tháng 3/1970, y tuyên bố ủng hộ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia, được cử làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng trong Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia. Năm 1976, y làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước Campuchia Dân chủ và đóng vai trò lớn trong việc hình thành chế độ Khmer Đỏ.
Tà Mốc (Ta Mok) sinh năm 1926 trong một gia đình nông dân ở miền Nam Campuchia. Trước năm 1975, y là ủy viên Quân ủy Trung ương, thường vụ Trung ương Đảng của tập đoàn Pôn Pốt. Tháng 7/1975, Pôn Pốt thống nhất quân đội và phân định lại ranh giới. Campuchia được chia ra làm 7 khu và Tà Mốc phụ trách khu Tây Nam. Năm 1977, Tà Mốc được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh quân đội. Y đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc thanh trừng và nhiều vụ thảm sát.
Với những nhân vật cốt cán trên, Khmer Đỏ đã thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn, hành hạ dã man người dân Campuchia; biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể,…Chỉ trong hơn ba năm, chế độ Khmer Đỏ đã giết hại gần ba triệu người dân Campuchia vô tội. Không những thế chế độ này còn phá hoại mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ hai nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số một và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường.
Ngày 17/01/1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia. Pôn Pốt chết trong rừng rậm khu biên giới Campuchia - Thái Lan năm 1998. Ieng Sary bị bắt để đem ra xét xử tội diệt chủng vào tháng 11/2007 và qua đời tháng 3/2013. Năm 1997, Ta Mok bắt giam Pôn Pốt trong rừng và bị nghi có liên quan đến cái chết của Pôn Pốt. Tháng 3/1999, y bị bắt trên lãnh thổ Thái Lan. Tháng 2/2002, y chính thức bị buộc tội chống lại loài người. Ta Mok chết tại bệnh viện năm 2006.
Noun Chea và Khieu Samphan còn sống và bị tuyên án tù thân về tội chống lại loài người và diệt chủng hồi năm 2014. Đây là bản án cao nhất bởi Campuchia không có án tử hình. Tháng 11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) tuyên bố giữ nguyên mức án của Tòa sơ thẩm tháng 8/2014. Bản án được Thẩm phán Nil Nonn đọc to trong phòng xử án khẳng định Khmer Đỏ đã phạm tội diệt chủng chống lại người Việt Nam và người Chăm./.