Tìm giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững

Phát triển của trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là yêu cầu tất yếu để triển khai và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cũng như thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
thi-truong-trai-phieu-xanh-3-1718328189.jpg
Trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là sản phẩm trái phiếu được phát hành với mục đích huy động vốn để tài trợ cho các dự án, chương trình mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội. (Ảnh minh họa)

Cần đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu bền vững

Phát triển bền vững thị trường vốn tại Việt Nam là sự phát triển ba trụ cột chính, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là một trong những mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới hướng đến, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh nói chung và thị trường vốn xanh nói riêng là một trong những mục tiêu đặt ra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho việc triển khai các dự án hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo đó, thúc đẩy phát triển của trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là yêu cầu tất yếu để triển khai và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cũng như thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Mặc dù nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ cho các dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, theo thống kê chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành từ năm 2018 đến năm 2023.

Những đợt phát hành trái phiếu xanh gần đây cho thấy thị trường còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Trong thời gian tới, một số quy định tại các văn bản pháp lý như Luật, Nghị định cần được cụ thể hóa để dễ dàng thực thi đối với các bên tham gia thị trường.

thi-truong-trai-phieu-xanh-1-1718328175.jpg
Nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ cho các dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.(Ảnh minh họa)

Vậy giải pháp nào để Việt Nam không chậm nhịp trong phát triển thị trường trái phiếu bền vững? Theo bà Tạ Bích Thảo, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết: “Cần đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu bền vững, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, văn hóa quản trị doanh nghiệp của từng tổ chức phát hành, minh bạch hóa các thông tin các đợt phát hành…

"Tôi thấy ở các thị trường khu vực, vai trò Chính phủ luôn đi đầu, không chỉ đưa ra chính sách mà còn là người phát hành lớn nhất về trái phiếu xanh, bền vững để tài trợ dự án công, thể hiện hành động thực hiện cam kết Chính phủ về phát thải ròng bằng không”.

Chuyên gia trái phiếu cũng lưu ý, để có nguồn vốn dài hạn cho trái phiếu bền vững thì phải có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các Công ty bảo hiểm không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu nợ. Theo giới phân tích, đây là nguồn vốn có tính dài hạn, ổn định, nếu có thể huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ cho thị trường trái phiếu xanh thì đó cũng là một cú huých hoặc có thể giải tỏa một điểm nghẽn của thị trường.

Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của các nước trong khu vực cũng cho thấy, bên cạnh nhà phát hành là Chính phủ và chính doanh nghiệp, thì cũng cần chú trọng trung gian phát hành là các ngân hàng thương mại, một đối tượng có tiềm năng huy động tài chính xanh, trái phiếu xanh để cho doanh nghiệp vay lại.

“Các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc phát hành trái phiếu xanh và cho vay lại với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, các doanh nghiệp lớn có thể tự phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, nhưng doanh nghiệp nhỏ thiếu nhiều nguồn lực để xây dựng kế hoạch huy động vốn xanh, thì có thể thông qua các ngân hàng để vay lại nguồn vốn này” - ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, của Tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s đánh giá.

Cần có những quy định hỗ trợ, khuyến khích rõ ràng khi tham gia thị trường trái phiếu xanh

Theo UBCKNN, một số khái niệm về tăng trưởng xanh, thị trường vốn xanh còn mới, sự nhận thức và sẵn sàng cho thị trường vốn xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp trên thị trường vốn còn ở mức thấp. Đây là một trong những thách thức cho sự phát triển của trái phiếu xanh.

Việc chuẩn hóa các khái niệm về xanh và các dự án xanh là cần thiết nhằm thúc đẩy việc phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh. Tương tự, khung phát hành trái phiếu xanh và vai trò của tổ chức đánh giá độc lập, những chính sách ưu đãi về thuế phí là những nội dung quan trọng cần được quy định cụ thể hơn nữa để thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu xanh trên thị trường.

Bởi vậy, theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định: “Trong Luật bảo vệ môi trường có nói về trái phiếu xanh, không thể chỉ trông chờ từ nguồn lực doanh nghiệp vì hiệu quả rất thấp… Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh vì doanh nghiệp bình thường không có hỗ trợ từ Chính phủ thì rất khó thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”.

Phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và nêu rõ chủ trương, thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Trung ương và một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế còn chưa quyết liệt. Tại Nghị định số 08 năm 2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng danh mục phân loại xanh.

Đây là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường. Nhưng danh mục này bị chậm trễ ban hành đến nay đã sắp được gần 2 năm.

thi-truong-trai-phieu-xanh-2-1718328269.jpg
Cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận: “Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 đặt mục tiêu rõ ràng là ban hành Danh mục môi trường và tiêu chí xác định dự án xanh trước 31/12/2022, nhưng chúng ta đã bị chậm 2 năm. Chúng ta đã bắt đầu xây dựng cơ chế, chính sách trái phiếu xanh, nhưng thực hiện quy định còn có một số vướng mắc nhất định. Đặc biệt nhất là danh mục xanh chưa được ban hành. Điều này cần khắc phục sớm”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cần sớm có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia, phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Các chuyên gia chính sách cũng đánh giá, quy định về phát hành trái phiếu xanh hiện nay chưa cụ thể và chưa có những quy định hỗ trợ, khuyến khích rõ ràng với các bên tham gia thị trường trái phiếu xanh nói riêng và trái phiếu bền vững nói chung. Do đó, việc rà soát lại khuôn khổ pháp lý là yêu cầu bức thiết.

Thực tế, chi phí phát hành trái phiếu xanh có thể cao hơn chi phí phát hành trái phiếu thông thường, vì yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng thêm nhiều tiêu chí, đòi hỏi cải tiến các quy trình hoạt động nội bộ. Đây là yếu tố khiến doanh nghiệp ngập ngừng trong chuyển đổi xanh. Do đó, Chính phủ có thể cân nhắc thêm những giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sớm hòa nhập vào xu thế này./.

Giải pháp phát triển thị trường vốn xanh

Với mục tiêu nỗ lực thực hiện các giải pháp Chính phủ đã đề ra để thực hiện cam kết hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, UBCKNN cũng đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển thị trường vốn xanh.

Một là, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) đã được đưa vào vận hành năm 2017 để phù hợp hơn với nhu cầu phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay. Chỉ số này hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết, thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “xanh”.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý, tăng cường đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của thành viên thị trường nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vốn xanh.

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh.

Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm bao gồm trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính xanh theo Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia: Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như thuế, phí nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trọng Bình