Tại Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, chia sẻ những kinh nghiệm về tài chính xanh, trái phiếu xanh trên thế giới và tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, vấn đề tài chính cho việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khá nhỏ giọt, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.
Trong khi đó, trên thế giới, lũy kế đến nay đã có 2,4 ngàn tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành. Tại Mỹ, lũy kế đến nay đã phát hành được 400 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mới chỉ có 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn, và đến nay cũng không rõ có bao nhiêu nhà đầu tư đã mua loại trái phiếu này.
Trên thị trường chứng khoán cũng chưa nghe đến trái phiếu xanh mà chỉ mới phát hành trên thị trường trái phiếu riêng lẻ, điều này cho thấy, vấn đề về tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Vì vậy, để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề gồm sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì, dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ, các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào và báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.
TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ. Nếu Việt Nam chuyển động chậm, thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là “nói cho vui” chứ khó triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn chứ đừng nói là thị trường trái phiếu xanh.