Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức vào ngày 02/7.
Tháo gỡ các nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng, nâng hạng thị trường là mục tiêu cần thực hiện đồng thời đây cũng là động lực để các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài. Nhưng để sớm thực hiện được điều này, ông Hiển cho rằng cần đến sự phối hợp của nhiều bộ, ngành trước những yêu cầu thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan.
“Được ví như ‘con cá lớn trong ao nước nhỏ,’ thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường chứng khoán cận biên (lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số ‘điểm nghẽn’ cần sớm tháo gỡ trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta,” ông Nguyễn Ngọc Hiển chia sẻ.
Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Khi nâng hạng thành công sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ sau hơn hai thập kỷ hoạt động. Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.
Trên bình diện quốc tế, hàng năm một số tổ chức xếp hạng thị trường lớn (như FTSE Russell, MSCI, S&P và Dow Jones) cung cấp việc xếp hạng các thị trường tài chính toàn cầu, nhằm mục đích đánh giá sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu của các quốc gia cho các nhà đầu tư tham khảo. Đối với từng quốc gia được đánh giá, lợi ích của việc đánh giá bao gồm việc thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao hình ảnh quốc gia trong thị trường tài chính toàn cầu. Các công ty đầu tư và các công ty quản lý quỹ, những tổ chức theo đuổi chiến lược đầu tư thụ động sẽ xây dựng quỹ ETF hoặc các quỹ tương hỗ đầu tư vào cổ phiếu của những quốc gia nằm trong rổ chỉ số, để theo dõi hiệu quả hoạt động của những chỉ số này.
“Tuy nhiên, do hầu hết các quỹ ETF đều theo đuổi cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và phát triển, Việt Nam và những quốc gia vẫn nằm trong phân loại thị trường cận biên cần hành động nhanh chóng để được phân loại lại thành thị trường mới nổi nếu muốn thu hút thêm luồng vốn đầu tư từ các tổ chức đầu tư quốc tế. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2-Thị trường Mới nổi,” ông Vũ Chí Dũng nói.
Cải thiện tính minh bạch và công bố thông tin tạo sức hút nhà đầu tư
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc về nâng hạng thị trường chứng khoán, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, yếu tố đầu tiên là cải thiện tính minh bạch và công bố thông tin. Cụ thể là đảm bảo công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các công ty niêm yết lớn để thu hút nhà đầu tư quốc tế cũng như minh bạch hóa các quy trình tài chính và quản trị công ty.
Theo đó, ông Trí cho rằng cần tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, như đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư. Đặc biệt là mở rộng giờ giao dịch và cải thiện hệ thống thanh toán, bù trừ. Để làm được điều này cần phát triển hệ thống công nghệ thông tin hướng tới giao dịch hiện đại để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng như quản lý rủi ro.
Bên cạnh đó, ông Trí khuyến nghị cần phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng, như tăng cường các sản phẩm tài chính, như ETF, hợp đồng tương lai, quyền chọn và hoán đổi. Mặt khác, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thị trường ngoại hối, như mở rộng và linh hoạt hóa thị trường phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế. Chính sách giám sát và điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường và phản hồi của nhà đầu tư quốc tế.
“Dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán lớn tại Hàn Quốc đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot để cải thiện dịch vụ khách hàng và hỗ trợ giao dịch tự động. AI giúp phân tích dữ liệu và đưa ra các dự đoán thị trường, trong khi chatbot hỗ trợ khách hàng với các vấn đề thường gặp và cung cấp thông tin nhanh chóng,” ông Trí nói.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp niêm yết cũng gặp nhiều thách thức của khi nâng hạng thị trường. Quy mô vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam còn khá nhỏ bé, do đó số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí MSCI EM Index không nhiều.
Theo rổ phân loại thị trường cận biên của MSCI, mặc dù tỷ trọng của Việt Nam là lớn nhất chiếm 26%, song trong top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong rổ này thì chỉ có 2 cổ phiếu của Việt Nam. Thêm vào đó, độ mở của thị trường càng lớn thì biến động của các yếu tố bên ngoài sẽ gia tăng tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các cổ phiếu niêm yết nói riêng. Hơn nữa, sự cạnh tranh với các cơ hội đầu tư tại các thị trường khác cũng gia tăng.
“Nâng hạng thị trường cần sự chung tay của nhiều bên, không chỉ là của các bộ, ngành, mà còn từ các thành viên tham gia thị trường,” bà Trần Thị Khánh Hiền nói.
Do vậy trong lộ trình nâng hạng, bà Trần Thị Khánh Hiền kiến nghị các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) và đảm bảo tính nhất quán về tần suất và hàm lượng của các thông tin được cung cấp cũng như dạng hóa các kênh tiếp cận đối với nhà đầu tư. Trên thực tế, một số đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế vẫn cho rằng khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn hạn chế và cần phải cải thiện.
Về mục tiêu phát triển bền vững, bà Hiền nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu. Các doanh nghiệp có mục tiêu phát triển bền vững rõ ràng, thực hành nguyên tắc quản trị công ty tốt hơn thì sẽ có hiệu quả hoạt động bao gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng như tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản sẽ tốt hơn. Ngoài ra, điều này cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biến động vĩ mô bên ngoài và duy trì giá trị cổ phiếu cũng tốt hơn nhóm doanh nghiệp còn lại./.