Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ổn định và bền vững

Sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
ttck-1709106915.jpg
Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa

Theo thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, trong năm 2023, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, Chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, CTĐC quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 CTCK đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%, 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với Tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.

Đánh giá về TTCK, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Theo các dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi so với năm 2023. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5-6,5% và năm 2025 là 6-7%.

Do đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD. Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tạo ra các bước đệm trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển TTCK trong tương lai.

img1628-1709087861696169715553-1709106873.jpg
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà. Ảnh: Nhật Bắc

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay: Trong bối cảnh Việt Nam, đất nước chúng ta vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô của nền kinh tế còn hạn chế, độ mở cao, sức chống chịu còn nhiều bất cập. Tất cả những điều này tạo nên áp lực rất lớn đến công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động đến việc phục hồi, phát triển kinh tế của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những cái kết quả rất quan trọng. Kinh tế vĩ mô được kiểm soát, ổn định và tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Trong năm 2023, với bối cảnh, nền tảng của thị trường ổn định vĩ mô như vậy, TTCK Việt Nam cũng đã có những bước phát triển đáng khích lệ.

Để phát triển TTCK trong năm 2024, với vai trò là cơ quan tham ưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12. Đặc biệt  là các giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, TTCK ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

Tăng cường thêm hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho TTCK đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Nội dung này gần đây các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Ví dụ như phát triển thị trường trái phiếu xanh rồi đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon triển khai tại các sàn chứng khoán Hà Nội. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và gắn việc cổ phần hóa DNNN với niêm yết trên TTCK. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên TTCK hầu như không có. Đây là nội dung cần tập trung trong năm 2024.

Khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết. Theo đó, cần rà soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm, tránh những việc kéo dài dẫn đến hệ lụy không tốt cho TTCK. 

Bên canh đó, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo kết nối, đảm bảo hoạt động trên môi trường điện tử và đặc biệt là kết nối với cái hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống dữ liệu doanh nghiệp theo Đề án 06./.

Đông Nghi