Một năm vượt khó và sẵn sàng "ngược sóng" trong năm 2024
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNt) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2023 và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.
Năm 2023, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, khó khăn nhất về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trong bối cảnh đó, Ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng hành của các cơ quan truyền thông tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực Quốc gia.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức cao 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây; tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 78%; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD (xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4,78 tỷ USD, hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD); thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%; Lần đầu tiên Việt nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng…
Năm 2024, Bộ tiếp tục chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành năm 2023; quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và của Bộ năm 2024, trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu như: Triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và các Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết; Kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024; Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH, đặc biệt là đề xuất các giải pháp tổng thểt phòng chống sụt lún, sạt, ngập úng vùng ĐBSCL. Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có để làm giàu rừng, duy trì độ che phủ rừng 42,02%; Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tiếp tục tổ chức đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Bộ trưởng nhắc lại lời khen của Thủ tướng Chính phủ về “một năm ngành nông nghiệp vượt cơn gió ngược, chuyển đổi trạng thái, thích ứng linh hoạt, xoay chuyển tình thế”. Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng hào khí và năng lượng của năm 2023 sẽ tiếp sức và được nhân lên trong năm 2024.
“Năm qua, sự tương tác đã bước ra khỏi không gian cục bộ của từng Cục, vụ, trường, học viện, đơn vị sự nghiệp. Từ đó, giúp cho sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa đơn vị với doanh nghiệp, giữa đơn vị với nông dân trở nên hiệu quả và tích cực hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Lan tỏa tư duy quản trị số, điều hành số trong nông nghiệp
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho một năm mới “vượt cơn gió ngược”, Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nêu một số trăn trở và gợi mở một số vấn đề. Trước những thay đổi nhanh chóng của các hàng rào kỹ thuật như khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Quy định chống phá rừng (EUDR), ngành nông nghiệp cần nhận ra, người tiêu dùng thế giới không mua sản phẩm mà mua cách làm ra sản phẩm.
Bộ trưởng đặt vấn đề, tất cả những câu hỏi xoay quanh sản phẩm nông sản có tác động tới môi trường, có gây biến đổi khí hậu không, có sử dụng lao động trẻ em không… sẽ là những yếu tố cần để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới bên cạnh hàng rào về an toàn thực phẩm hay tiêu chuẩn chất lượng. Như vậy, ngành trồng trọt nói riêng và các ngành khác cần suy tính xa hơn, với con đường phát triển gắn với nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phát thải thấp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
“Không gian trí tuệ của chúng ta trong thời gian tới sẽ được mở rộng ra rất nhiều và chúng ta có thể tạo ra giá trị cho ngành nông nghiệp với điều kiện giảm bớt tư duy mùa vụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi.
Bên cạnh thực tế của các ngành, yếu tố đào tạo cũng được lãnh đạo Bộ quan tâm. Với xu thế nông nghiệp hiện nay, đào tạo nhân lực trong ngành nông nghiệp cũng cần được “kích hoạt một không gian mới”, cập nhật giáo trình để sinh viên, học sinh có thể tiếp cận gần hơn với những khái niệm mới như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data… để sau đó có thể là những nhân tố mới áp dụng những tiên tiến, kỹ thuật mới trong tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng nhắc lại về xu thế “chạm để kết nối”, kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian ngắn, có thể chưa đưa vào hoạt động đồng bộ, đồng loạt ngay, song tư duy quản trị số, điều hành số cần bắt đầu được lan tỏa và thẩm thấu, tổng hợp vào kế hoạch hành động năm, qua các phần việc cụ thể, khả thi của các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm và trọng điểm mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị tập trung trong năm 2024. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, giúp nông sản vượt qua những hàng rào kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, công tác xử lý rào cản để mở cửa thị trường đã nỗ lực và sáng tạo song việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và cần nhiều yếu tố. Năm 2024, ngoài dự đoán nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp cần chuẩn bị tâm thế đón những rào cản thế hệ mới xuất hiện với nhiều yêu cầu hơn về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội…/.