Đối mặt với "tam tai" ngành nông nghiệp vẫn kỳ vọng đạt 54 - 55 tỷ USD xuất khẩu

Bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp vẫn còn 3 cái khó (tam tai). Nhưng với những nền tảng đã có cùng với sức bật từ năm 2023, nông nghiệp vẫn đề ra mục tiêu: tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,0 - 3,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.
tam-tai-nong-nghiep-01-1704592554.jpg
Năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện.

Tạo ra kỳ tích để ngành nông nghiệp tiếp tục vươn xa hơn

Năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; với mức tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.

Hơn 53 tỷ USD thu về từ xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản trong năm 2023 đã ghi dấu những nỗ lực không mệt mỏi của bà con nông dân, của các nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực này, từ đó để tạo tiền đề và động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục vươn xa hơn, gặt hái được những mùa vàng trong năm 2024.

Niềm vui của những nông dân trồng lúa, của các nhà vườn trồng sầu riêng, rau quả trong năm 2023 đã cho thấy điểm sáng đáng mừng nhất trong sản xuất và xuất khẩu nông sản khi xuất khẩu gạo và rau quả đạt mức kỷ lục.

tam-tai-nong-nghiep-02-1704592574.jpg
Sầu riêng vẫn là nông sản kỳ vọng tạo đột phát xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhưng với sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội, của các địa phương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta đã về đích được rất nhiều mục tiêu quan trọng. Một năm nỗ lực phấn đấu để chúng ta về đích những mục tiêu rất ngoạn mục, được Chính phủ và Trung ương đánh giá rất cao, vẫn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào nền kinh tế đất nước trong lúc khó khăn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Năm 2023 cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1.612 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 256 xã nông thôn mới kiểu mẫu và có 270 huyện, thị hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ngày càng tăng, với 11.056 sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế nông thôn.

Quyết vượt "tam tai" xác lập đỉnh cao mới

Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới khiến thị trường bấp bênh.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, đặt ra những mục tiêu để phấn đấu thực hiện: “Bước sang năm 2024, chúng tôi thấy là ngành nông nghiệp vẫn còn 3 cái khó: thứ nhất đó là thị trường, thứ 2 là thời tiết, thứ 3 là khống chế được dịch bệnh. Về thị trường chúng tôi sẽ cố gắng, dịch bệnh chúng tôi cũng cố gắng khắc phục nhưng thời tiết vẫn là yếu tố khách quan. Về chỉ tiêu năm 2024, đề ra tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,0 - 3,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%”.

Năm 2023 là năm ghi dấu ấn tượng của ngành lúa gạo khi xuất khẩu gạo nước ta đạt khoảng 8,2 triệu tấn với kim ngạch gần 4,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm trước, ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dự báo năm 2024, tình hình thị trường lúa gạo nhu cầu vẫn ở mức cao, ngành trồng trọt tiếp tục chỉ đạo tăng cường sản xuất, đặc biệt là lúa chất lượng để đảm bảo xuất khẩu một cách bền vững.

“Một số tổ chức tài chính thế giới dự báo, tình hình lúa gạo vẫn ở mức độ cao trong năm 2024, 2025, nhưng sẽ khó cao như năm 2023 do nhu cầu tiêu thụ gạo tăng trong sản lượng thế giới không tăng nhiều. Sản xuất lúa gạo Việt Nam trong 2024 theo kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha hoặc có thể thấp hơn, trong đấy vẫn đảm bảo sản lượng 43 triệu tấn. Với như vậy thì chúng ta có thể đảm bảo hoàn toàn an ninh lương thực trong bất kỳ tình huống trong mọi hoàn cảnh. Và chúng ta vẫn đảm bảo xuất khẩu gạo như trong năm 2023” - ông Nguyễn Như Cường nói.

tam-tai-nong-nghiep-04-1704592643.jpg
Bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp quyết tâm vượt “tam tai” để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trên đà xuất khẩu rau quả có bước tăng trưởng ngoạn mục, tăng 70% so với năm 2022, đạt gần 5,7 tỷ USD, việc tổ chức sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch thực vật và tăng cường xúc tiến thương mại với các thị trường được ngành rau quả chú trọng. Tín hiệu vui đầu năm 2024 khi các mặt hàng như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, bưởi… sắp tới được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp ngành rau quả tăng thêm ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2024.

Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các bon cho Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng. Cùng với đó, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới trồng lúa giảm phát thải khi triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL từ cuối năm 2023. Điều đó cho thấy, không chỉ thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng tới sản xuất xanh và bền vững.

Đây là mục tiêu của ngành trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhằm hiện thực hoá Chiến lược phát triển và Nghị quyết Trung ương để xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2024 thể hiện bản lĩnh và vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó, thắng "tam tai" với những chuyển biến về chất, với tư duy kinh tế hội nhập nhằm nâng tầm giá trị. Khẳng định vị thế nông sản Việt trên thị trường quốc tế là chìa khóa tạo sức bật mới trong những năm tiếp theo./.

Trọng Đạt