Nước ngọt là cơn khát triền miên bao đời trên đất cù lao đầu sóng, ngọn gió này. Để tháo gỡ khó khăn, địa phương đã xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất luân canh 1 vụ lúa + 1 vụ tôm/năm (lúa + tôm) trên đất nhiễm mặn, thích ứng biến đổi khí hậu đang mang lại hiệu quả, giúp nhiều nông dân tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng cho biết, cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương đã hình thành vùng sản xuất theo mô hình lúa + tôm có diện tích lên đến khoảng 130 ha, tập trung ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Tân Phú Đông cũng là huyện có diện tích sản xuất theo mô hình lúa + tôm lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Theo ông Lê Thanh Đằng, chuyển đổi sang mô hình lúa + tôm, nông dân cải tạo đất đai cho phù hợp mục tiêu sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, bố trí lại hợp lý thời vụ trong năm. Theo đó, khoảng từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch, khi vào mùa mưa, nước ngọt dồi dào, nông dân làm đất và gieo sạ lúa, chăm sóc để đến tháng 9, tháng 10 âm lịch thu hoạch.
Bà con trồng các giống lúa chịu mặn, năng suất cao, chất lượng tốt thuộc nhóm OM hoặc giống VD 20. Thu hoạch lúa xong cũng đến thời điểm vào mùa khô hạn và xâm nhập mặn hàng năm, thời tiết khắc nghiệt không thể trồng lúa được, nông dân tu sửa và củng cố bờ bao, bờ vùng để lấy nước mặn vào nuôi tôm theo phương pháp quảng canh.
Tập hợp nông dân vào làm ăn theo con đường hợp tác kiều mới, tiến tới liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa cũng được địa phương hết sức chú trọng nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho mô hình thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Huyện Tân Phú Đông đã hình thành Tổ hợp tác sản xuất theo mô hình lúa + tôm với tên gọi Tổ hợp tác nông – thủy sản Phú Tân, có tổng diện tích sản xuất trên 60 ha.
Tổ trưởng Tổ hợp tác nông – thủy sản Phú Tân Hà Văn Hải cho biết, việc áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm tham gia thị trường được Tổ đặc biệt quan tâm. Qua đó, đối với con tôm, nông dân nuôi theo ngưỡng an toàn sinh học còn 100% diện tích lúa áp dụng tiêu chí GlobalGAP, được các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ, bà con an tâm sản xuất. Theo đánh giá, với 1 vụ lúa + 1 vụ tôm/ mỗi năm, nông dân đạt lợi nhuận từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ha.
Nhờ mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, 100% hộ dân trong Tổ đã vươn lên khá, giàu, không còn hộ nghèo. Nhiều bà con xây nhà cửa khang trang, chung sức cùng nhà nước đầu tư kiện toàn giao thông nông thôn, tạo diện mạo mới cho miền đất mặn Phú Tân gian khó hôm nào.
Mới đây, để tạo cơ hội phát triển giao thương vừa góp phần xây dựng nông thôn mới đẹp giàu, bà con trong Tổ hợp tác nông – thùy sản Phú Tân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng thi công tuyến đường nông thôn theo chuẩn quốc gia.
Ông Ngô Văn Nhàn là một trong những nông dân đi tiên phong áp dụng mô hình sản xuất lúa + tôm thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng đất khó xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Gia đình ông hiện có 3 ha đất canh tác theo mô hình lúa + tôm. Theo đó, khi vào mùa mưa thì ông trồng lúa.
Sang mùa khô hạn và xâm nhập mặn ông chuyển sang nuôi tôm quảng canh. Ông Ngô Văn Nhàn cho biết, nuôi tôm quảng canh trong mô hình phù hợp với trình độ canh tác của bà con, dễ thực hiện, ít rủi ro so với nuôi tôm thâm canh vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, khi chuyển sang mùa mưa, có nước ngọt dồi dào thì làm đất để trồng lúa cũng tiện lợi, mang lại hiệu quả kép, thay vì phải bỏ đất trống như trước.
Cụ thể, cải tạo ao đầm xong, bà con lấy nước ngoài sông vào qua hệ thống cống để nuôi thủy san. Theo cống vào ao đầm còn có nguồn tôm cá, thủy sản tự nhiên: cá chẽm, cá đối, cua biển,…Đồng thời, hộ dân cũng thả dặm thêm tôm giống với mật độ thưa 3 – 4 con/m2 hoặc cua biển giống.
Tất cả các loại thủy sản có giá trị kinh tế trên cùng sống trong ao đầm. Khi tôm cá đến độ lớn, nông dân thu hoạch mỗi tháng 2 kỳ. Cứ xả nước qua cống, dùng lưới chặn bên ngoài thu cá lớn, tôm lớn, cua trưởng thành; số còn nhỏ ở lại trong ao tiếp tục nuôi và thu hoạch các đợt tiếp theo cho đến tận đầu mùa mưa. Thời gian vụ nuôi tôm quảng canh trong mô hình lúa + tôm kéo dài khoảng từ 5 -6 tháng, còn lại là dành cho làm đất, sản xuất lúa chất lượng cao.
Theo ông Nhàn, trong vụ lúa vừa qua, thời tiết thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào, áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh theo khoa học nên nông dân được mùa. Trà lúa bình quân đạt năng suất 60 tạ/ ha. Giá lúa thương lái thu mua 6.200 đồng/kg, mỗi ha ông đạt giá trị khoảng 37 triệu đồng.
Với 3 ha sản xuất theo mô hình lúa + tôm, trong vụ lúa này, gia đình ông Ngô Văn Nhàn đạt sản lượng khoảng 180 tạ/ ha, thu trên 110 triệu đồng chưa kể tiền bán tôm cá các loại trong vụ tôm quảng canh vừa qua. Sang đầu năm 2022, nông dân Ngô Văn Nhàn chuyển sang vụ nuôi tôm quảng canh khi thời tiết chuyển sang khô hạn và xâm nhập mặn đang vào cao điểm ở miền đất hạ lưu sông Tiền.
Còn ông Phạm Văn Minh, ấp Phú Hữu, xã Phú Tân nhiều năm nay dựng nghiệp từ mô hình lúa + tôm đánh giá, trước đây, đất đai bỏ hoang hóa bởi gần như không thể trồng trọt được. Người dân địa phương đa phần phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống, kinh tế eo hẹp, nghèo khó triền miên không lối thoát.
Gần đây, được các ngành hữu quan chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình lúa + tôm, được trợ vốn ưu đãi khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất làm giàu, ông Minh mạnh dạn thay đổi mùa vụ và áp dụng mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ tôm/ năm trên diện tích 3,5 ha tại ấp Phú Hữu. Nhờ vậy, ông đã vượt khó thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Tân Phú Đông.
Ông Hà Văn Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông – thủy sản Phú Tân chia sẻ, không chỉ cho nông dân nguồn thu nhập cao, ổn định, mô hình lúa + tôm còn mở ra hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu vừa giảm nhẹ thiên tai tại địa bàn ven biển của huyện cù lao Tân Phú Đông hôm nay.
Trong tương lai, Tổ hợp tác nông – thủy sản Phú Tân sẽ chuyển đổi lên hợp tác xã nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa tham gia thị trường gắn với liên kết theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm đầu ra ổn định, xã viên hưởng lợi./.