Tiến bước khi người khác dừng chân

Trong nghề gốm, họa sỹ Nguyễn Như Quang là người đã được “vua biết mặt, chúa biết tên”. Gốm Quang là thương hiệu và cũng là nhãn hiệu của ông. Ông là người đầu tiên dám thay đổi gốm truyền thống, và tạo nên xu hướng gốm mới, định hình tương lai của gốm Việt. Hơn 3 thập niên qua, sự chuyển mình của làng gốm Bát Tràng và không khí phát triển đầy sinh lực nơi đây đều có ghi dấu ấn của người họa sỹ này.

Người đổi đời cho gốm

Thập niên 90 thế kỷ trước, khi tôi còn đang là một cô sinh viên ngoại ngữ Khoa Anh,  chưa tốt nghiệp đại học, đi làm thêm bằng nghề phiên dịch cho khách nước ngoài, tôi đã dẫn một số vị khách Mỹ, Đài Loan, Đức, Anh tới cửa hàng Gốm Quang ở Hà Nội để giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, rất hấp dẫn bởi có sáng tạo đặc biệt. Các vị khách nước ngoài trầm trồ trước những sản phẩm gốm trang trí độc đáo với xà cừ, vỏ trứng,… trên nền màu gốm nguyên thủy. Thấy các vị khách nước ngoài thán phục sản phẩm do người Việt mình làm ra, mua về khá nhiều dù sản phẩm nặng và dễ vỡ, tôi lấy làm tự hào. Được dẫn khách nước ngoài tới các cửa hàng của anh Quang gốm, tôi rất thích bởi bản thân mình cũng được ngắm thỏa thuê những bình, lọ, đèn gốm muôn hình vạn trạng, biến ảo hấp dẫn.

Dù là sinh viên, luôn “viêm màng túi” nhưng tôi cũng chắt bóp tiền được thuê đi làm phiên dịch, để mua một lọ gốm tại cửa hàng của Quang gốm. Do công việc cần giới thiệu với khách nước ngoài và thêm sự tò mò, tôi cũng tìm hiểu và được biết dòng gốm trang trí độc đáo này là tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Như Quang. Tôi lập tức nghĩ anh Quang hẳn là một người rất nổi tiếng và gặp anh không dễ. Quả vậy, tôi chỉ biết danh của anh, biết sản phẩm nổi tiếng anh sáng tạo, đọc một số bài báo viết về anh, nhưng chưa bao giờ gặp người họa sỹ tài hoa này ngoài đời. Trong hình dung của tôi, anh là người họa sỹ không chỉ biết sáng tác, mà đã có công sáng tạo trên sản phẩm gốm truyền thống, thổi hồn cho gốm, truyền luồng sinh khí mới và tạo ra một dòng gốm riêng mang tên Gốm Quang, ghi dấu ấn trong lòng người chơi gốm, yêu thích sản phẩm gốm trang trí mỹ thuật ứng dụng. Hay nói cách khác, anh đã đổi đời cho gốm. Nhờ anh mà gốm đã vượt ra khỏi lũy tre làng, tỏa sáng hương sắc và xuất khẩu đi năm châu bốn bể.

hoa-sy-nguyen-nhu-quang-quang-gom-1659404416.jpg
Họa sỹ Nguyễn Như Quang

Thế rồi cái duyên ấy cuối cùng cũng đến khi gần 30 năm sau, qua công việc mà tôi tình cờ quen biết vợ của họa sỹ Nguyễn Như Quang, chị Hoài Thương, phụ trách đối ngoại của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chị mời tôi cùng đoàn nhà văn, dịch giả tới thăm bảo tàng của họa sỹ Nguyễn Như Quang vừa mới hoàn thành vào đầu xuân 2022, nhưng chưa kịp khai trương và mời khách rộng rãi do dịch bệnh Covid-19. Tôi và các thành viên trong đoàn cảm thấy thật may mắn khi là những người đầu tiên được đặt chân tới Quang Ceramic Art Space - “Không gian nghệ thuật gốm Quang” nằm tại Thôn 1, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bảo tàng Quang gốm nằm trong khuôn viên rộng chừng 2000m2 ngay giữa làng gốm cổ Bát Tràng hơn 500 năm tuổi. Nơi này từng là một xưởng sản xuất gốm của họa sỹ Nguyễn Như Quang. Nhưng khi dòng gốm Quang trở nên nổi tiếng và đơn đặt hàng từ nước ngoài liên tiếp ùa về thì xưởng không thể đáp ứng nổi, anh Quang đã xây dựng một nhà máy rộng tới 3 ha tại Quảng Ninh, và địa điểm xưởng cũ nay đã được cải tạo và xây bảo tàng riêng của Quang gốm.

hoa-sy-nguyen-nhu-quang-cung-vo-va-nha-van-khanh-phuong-1659404416.jpg
Hoạ sỹ Nguyễn Như Quang cùng vợ và nhà văn Khánh Phương.
hoa-sy-nguyen-nhu-quang-thu-3-tu-phai-sang-voi-cac-nha-van-nha-bao-ha-noi-1659404416.jpg
Hoạ sỹ Nguyễn Như Quang (thứ 3 từ phải sang) với các nhà văn, nhà báo Hà Nội.

Truyền động lực cho các nghệ nhân

Bước chân vào bảo tàng, được trực tiếp vợ chồng họa sỹ Nguyễn Như Quang dẫn đi giới thiệu từng tác phẩm trưng bày, chúng tôi đã được hình dung trọn vẹn cuộc đời một người họa sỹ, một nhà sáng tạo tài ba với bộ óc kinh doanh nhạy bén. Hơn ba thập niên qua, ông không chỉ tạo nên một sự nghiệp lừng lẫy riêng cho mình, mà còn giúp cả một làng nghề hồi sinh, đổi mới và tiến bước trên con đường sáng tạo, hội nhập thế giới. Ông đã truyền động lực và dẫn dắt các nghệ nhân gốm cùng thời tại làng nghề Bát Tràng, tự hào đưa Việt Nam ra với toàn cầu, đánh dấu nốt son gốm Việt trên bản đồ nghệ thuật truyền thống quốc tế. Nhiều người theo học ông, trở thành học trò của ông, và nhiều lớp học trò ấy giờ đây đã phát triển được sự nghiệp kinh doanh phát đạt của mình với nghề gốm.

khong-gian-nghe-thuat-gom-quang-bat-trang-1-1659404416.jpg
Không gian nghệ thuật Gốm Quang - Bát Tràng.

Họa sĩ Nguyễn Như Quang sinh năm 1954 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Gốm Sơn mài – Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, Khóa IX, năm 1981. Năm 1983, họa sĩ Nguyễn Như Quang làm việc tại Công ty Artex Hà Nội chuyên về xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Ông được biết đến là nhà thiết kế, nhà tổ chức sản xuất và xuất khẩu đồ Gốm mỹ thuật ứng dụng hàng đầu Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. 

Cũng từ công việc này, ông trăn trở suy nghĩ, rằng làm sao để những sản phẩm truyền thống từ các làng nghề Việt Nam không chỉ giậm chân tại chỗ với mẫu mã không thay đổi qua cả trăm năm, có thể mang hơi thở thời đại và tiến tới hội nhập văn hóa sản phẩm toàn cầu. Điều đó thôi thúc ông dấn bước tìm ra con đường mới cho gốm truyền thống Việt Nam. Trong những chuyến đi nước ngoài tham dự các hội chợ sản phẩm thủ công quốc tế, người họa sỹ này đã hết sức tận dụng cơ hội để học hỏi bí quyết của bạn, mang về ứng dụng sáng tạo trên sản phẩm gốm truyền thống Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Khi tới với các hội chợ quốc tế, thấy gian hàng của Việt Nam mình nghèo nàn quá, lèo tèo vài sản phẩm với mẫu mã cũ, không thu hút được khách tới xem. Trong khi đó, tại gian hàng các nước khác, khách tới xem mẫu, ký hợp đồng nhộn nhịp, khiến mình rất suy nghĩ. Phải tìm cách để thay đổi!” Suy nghĩ ấy thôi thúc ông hành động ngay khi về nước, giải bằng được bài toán xuất khẩu cho gốm Việt. Ông lao vào tìm tòi, thiết kế mẫu mã mới cho gốm. Và quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sáng tạo ấy của ông đã tựu thành kết quả.

Năm 1993, họa sĩ Nguyễn Như Quang khởi đầu sự nghiệp bằng cuộc triển lãm “Giai điệu gốm” giới thiệu dự án 1.001 mẫu do chính ông thiết kế. Đây là cuộc triển lãm đã tạo tiếng vang lớn trong và ngoài giới làm nghệ thuật, một bước ngoặt cho sự nghiệp phát triển ngành gốm nói chung và Gốm Quang nói riêng. Những mẫu gốm mới do ông thiết kế và phát triển đã được hầu hết cả làng gốm làm theo. Ông cũng trực tiếp hướng dẫn các chủ lò gốm trong làng Bát Tràng làm mẫu mới, thậm chí ông đưa hợp đồng xuất khẩu về cho họ, thuê họ gia công… Làng gốm Bát Tràng sôi động nhộn nhịp hẳn lên, thay da đổi thịt hàng ngày và phát triển mở rộng lên từ đó. Nhiều người không chỉ học ông cách làm gốm mới, con đường xuất khẩu gốm, mà còn học theo ông cả phong cách ăn mặc, lối sống, cách chơi nghề. Ai nấy đều yêu quý và biết ơn họa sĩ Nguyễn Như Quang, khi ông về làng, đều được đón tiếp như về nhà. Trong giai đoạn 1993 - 2005, họa sĩ Nguyễn Như Quang đã góp phần không nhỏ vào việc đầu tư, xây dựng và khôi phục sự phát triển của làng gốm Bát Tràng, tạo hướng đi cho hoạt động xuất khẩu gốm Bát Tràng cho đến ngày hôm nay. 

Được biết, hoạ sĩ Nguyễn Như Quang cũng chính là người khai sinh ra dòng Gốm - Sơn mài với thương hiệu Gốm Quang, một dòng gốm kết hợp chất liệu sơn mài truyền thống với chất liệu gốm để trở thành sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao và mang bản sắc văn hóa riêng, đậm chất Việt Nam. Sản phẩm Gốm Quang liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế tại Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Italy, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc…. Hoạt động của nhà máy Gốm Quang, cũng như sự ảnh hưởng của những mẫu thiết kế do ông sáng tạo được sản xuất ở các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đào tạo được nhiều thợ thủ công có tay nghề cao, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới hàng chục triệu đô-la Mỹ. Một lần nữa, ông lại tiếp tục là người tiên phong, định hướng đi mới cho làng nghề.

Dù đã rất thành công, nhưng người nghệ sỹ này vẫn không dừng bước. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, dấn thân vào con đường sáng tạo, chính là có sứ mệnh dẫn dắt, định hướng, là cần tiến bước kể cả khi người khác dừng chân. Việc xây dựng nên bảo tàng riêng tại trung tâm làng gốm Bát Tràng, với họa sĩ Nguyễn Như Quang chính là tạo nên không gian bảo tồn gắn với từng giai đoạn phát triển của làng nghề, ghi lại những dấu ấn của làng gắn với kỷ niệm riêng của ông. Bảo tàng này ông làm cho chính mình, và cũng để trả nghĩa cho làng, đã đồng hành cùng ông trong tiến trình thay đổi, tạo nên cả một giai đoạn hưng thịnh của gốm Việt. 

khong-gian-nghe-thuat-gom-quang-bat-trang-2-1659404416.jpg
Không gian nghệ thuật Gốm Quang - Bát Tràng

Có tới với bảo tàng, thì chúng tôi mới hiểu ra, rằng sau thương hiệu Quang gốm lẫy lừng, còn có người họa sỹ Nguyễn Như Quang đam mê hội hoạ với rất nhiều tranh khổ lớn. Ông vẽ các thể loại tranh đa dạng, từ sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, đến giấy dó. Ông cũng vẽ nhiều đề tài, nhưng nổi bật là Sen và Thiếu nữ. Tranh của ông nhiều khách hàng trong và ngoài nước sưu tập. Trong số những người sưu tập tranh của ông, có những nhà tài phiệt Âu Mỹ. Vậy mà những tranh còn lại, kể cả trưng trong bảo tàng mới hoàn thành, cũng không đủ chỗ, phải cất tạm trong kho.

Ngắm biết bao tác phẩm gốm nghệ thuật và tranh của Nguyễn Như Quang trong bảo tàng, trong kho chứa, cảm giác choáng ngợp dấy lên, tôi tự hỏi ông lấy đâu ra thời gian và nhiều năng lượng đến thế để làm ra tất cả những thứ này!? Vợ ông chia sẻ: “Anh Quang có năng lượng làm việc rất cao. Có đêm cao trào, từ bảy giờ tối tới mười hai giờ đêm, một mình anh vẽ tới vài trăm đĩa gốm cho khách Nhật. Nhiều bạn họa sỹ tới thăm xưởng vẽ, đã thốt lên “Nhìn ông vẽ thế này, tôi không thể buông bút vẽ để nghỉ ngơi được!” Quả vậy, đã có nhiều họa sỹ đã nghỉ sáng tạo một thời gian, khi đi thăm anh Quang, tận mắt thấy anh làm việc, đã trở về tiếp tục sáng tạo. Anh ấy không cần nói, chỉ lặng lẽ làm việc, nhưng nhìn vào kết quả làm việc của anh, người khác được tạo động lực để tiếp tục phấn đấu.”

khong-gian-nghe-thuat-gom-quang-bat-trang-3-1659404416.jpg
Không gian nghệ thuật Gốm Quang - Bát Tràng.

Có thể nói, họa sỹ Nguyễn Như Quang là một nghệ sĩ Việt khiến cho chúng ta có thể tự hào với bạn hữu khắp năm châu. Tôi đã hứa với vợ chồng ông rằng, khi có bất cứ người bạn nước ngoài nào đến Hà Nội, tôi sẽ dẫn họ tới thăm bảo tàng của ông. Cuộc đời và sự nghiệp của ông xứng đáng ghi lại thành một cuốn sách dày, để các thế hệ sau chiêm nghiệm. Một bài ký này của tôi chỉ khiêm tốn kể ra một số việc trong vô vàn việc ông đã làm và đã thành công. Tôi chỉ ước, trong một ngày thôi, trong cuộc đời dài này, có thể được ngắm ông làm việc, biết được những suy tính của ông trong lúc đó… Hẳn rằng tôi sẽ có được những bài học quý giá cho chính mình trong hành trình sống và sáng tạo, cống hiến.

* Bài dự thi Cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh

Kiều Bích Hậu