Tại kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thái Lan coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.
Phía Thái Lan cũng đề nghị Việt Nam phối hợp và tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh theo các hiệp định đã ký trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng GMS và ASEAN, đề nghị Việt Nam tạo thuận lợi trong quy trình cấp phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà và một số trái cây của Thái Lan, tạo thuận lợi trong vấn đề đăng ký dược phẩm, đề nghị mở rộng phạm vi hợp tác lao động trong khuôn khổ MOU đã ký giữa hai Bộ Lao động.
Đại diện Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, kỳ họp lần thứ tư tại Băng Cốc lần này được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa. Cả hai nước về cơ bản đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế, thương mại đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid. Hai nước cũng vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2021, hiện đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường.
Trong không khí hữu nghị, hợp tác, trên tinh thần xây dựng và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã bàn bạc, thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cụ thể cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid, hướng đến mục tiêu sớm đạt được kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD như Thủ tướng hai nước đã đặt ra.
Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, hai nước nhất trí cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, trong khi đó cần phải chú ý hơn tới các giải pháp phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn, cùng có lợi.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai Bên thảo luận việc tiếp tục phối hợp để mở rộng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm trái cây tươi, đẩy nhanh quy trình phân tích nguy cơ dịch hại, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản ghi nhớ hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) ký năm 2004 và trao đổi khả năng ký lại Bản ghi nhớ.
Trong lĩnh vực kết nối giao thông, hai bên nhất trí tăng cường sự phối hợp trong việc triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới ở tiểu vùng Mê Công (GMS CBTA), phối hợp cùng Lào trong việc thiết lập các tuyến xe khách kết nối các địa phương giữa ba nước, phối hợp cùng Campuchia phát triển tuyến đường vận tải biển từ phía Đông Thái Lan qua phía Nam Campuchia và Việt Nam, khuyến khích hợp tác phát triển dịch vụ vận tải hai chiều giữa hai nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, hai Bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực cùng quan tâm như các ngành công nghiệp nền tảng (năng lượng, ô tô, vật liệu, điện tử, hoá chất), chế biến thực phẩm, dệt may, phát triển hạ tầng (khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics).
Hai Bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế tiểu vùng, khu vực và đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, ACMECS, CLMVT, MLC, WTO...
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định mục tiêu đưa kim ngạch hai chiều của Việt Nam và Thái Lan lên mức 25 tỷ USD vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
“Lãnh đạo hai nước đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch 2 chiều là 25 tỷ USD. Ở thời điểm này, chúng ta đã đạt ngưỡng 18,8 tỷ USD. Như vậy, còn ba năm nữa để 2 bên nâng kim ngạch thêm 7 tỷ USD. Con số này có vẻ lớn, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu ngành hàng, cơ cấu mặt hàng và tiềm năng của mỗi bên, chúng tôi cho rằng mục tiêu này là hoàn toàn có thể thực hiện được” – Bộ trưởng nhấn mạnh
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng Thái Lan đảm nhiệm vai trò chủ tịch APEC 2022 với chủ đề “Rộng mở, Kết nối, Cân bằng”; khẳng định Việt Nam ủng hộ tối đa các sáng kiến và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Thái Lan để năm APEC 2022 thành công.