Thực thi các quy định của EUDR, Việt Nam kiên định với mục tiêu phát triển xanh, bền vững

Việt Nam luôn kiên định với thông điệp của một nền nông nghiệp hiện đại. Trong nhiều chuyến đi quốc tế, Bộ NN&PTNT đánh giá cao Quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR). Quy định này đã tạo động lực cho Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
nong-nghiep-ben-vung-3-1735784052.jpg
Quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR) là một trong những chính sách môi trường nổi bật nhất trong những năm trở lại đây, với những điểm tiến bộ về thương mại nông sản không gây mất rừng.(Ảnh minh họa)

Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã không chờ đợi quyết định trì hoãn từ EUDR

Quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR) là một trong những chính sách môi trường nổi bật nhất trong những năm trở lại đây, với những điểm tiến bộ về thương mại nông sản không gây mất rừng.

Ngay từ khi quy định mới ban hành, Việt Nam đã xác định: Xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ và nhất quán về nguồn gốc nông sản là yếu tố then chốt trong các hồ sơ khai báo với châu Âu. Việt Nam nỗ lực trở thành quốc gia được đánh giá “rủi ro thấp” về gây mất rừng để được hưởng lợi từ các quy trình thẩm định đơn giản hơn.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều và khuyến cáo từ các nước xuất khẩu lớn, cuối năm 2024, châu Âu chính thức công bố hoãn 1 năm thời hạn thực thi EUDR. Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn và các nhà điều hành sẽ có thời hạn đến ngày 30/12/2025 để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2026.

“Với tinh thần chủ động và tích cực, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã không chờ đợi quyết định trì hoãn từ EUDR”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, chia sẻ. “Chúng tôi liên tục phổ biến thông tin và tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật dành cho doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và đặc biệt là nông dân, nhằm đảm bảo nông sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc”.

EUDR điều chỉnh 7 nhóm mặt hàng gồm: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê, cao su, trong đó, các ngành hàng bị tác động lớn tại Việt Nam gồm: cà phê, gỗ và cao su. Sau khi EC đồng ý lùi thời hạn tuân thủ, hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ EUDR là ngày 30/12/2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30/6/2026.

nong-nghiep-ben-vung-4-1735784091.jpg
Quy định EUDR đã tạo động lực cho Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.(Ảnh minh họa)

Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), việc lùi thời hạn giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như doanh nghiệp, hiệp hội trong các ngành hàng có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ, cà phê và cao su đều tương đối phức tạp, nhiều yêu cầu trong việc tuyên bố về trách nhiệm thực thi, giải trình cũng như khai báo, cung cấp bằng chứng điện tử về tọa độ địa lý của lô rừng, khoảng rừng cung ứng vào thị trường EU còn mới. Sự mới mẻ này không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả các hộ nông dân trồng rừng.

Cần thêm thời gian và có hướng dẫn từ phía Việt Nam - EU, có các lớp tập huấn để các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể nắm bắt và có cùng một cách hiểu về việc thực hiện giải trình vấn đề mới đặt ra là khai báo tọa độ địa lý với các thửa đất sản xuất.

Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, EUDR sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam. Nếu chúng ta thực thi tốt sẽ phát đi được thông điệp: Việt Nam kiên quyết kinh doanh lâm nghiệp, kinh doanh gỗ mà không gây mất rừng, suy thoái rừng.

Động lực để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Việt Nam luôn kiên định với thông điệp của một nền nông nghiệp hiện đại. Trong nhiều chuyến đi quốc tế, Bộ NN&PTNT đánh giá cao Quy định này đã tạo động lực cho Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, việc thực thi EUDR đòi hỏi sự phối hợp liên ngành rất cao. Nếu chỉ một trong bảy ngành hàng (gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ) bị phân loại là “rủi ro cao”, nguy cơ cả ngành nông nghiệp của quốc gia đó cũng bị ảnh hưởng.

Trong giai đoạn đầu triển khai Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, Việt Nam xác định thách thức lớn nhất là thiếu hệ thống thông tin, dữ liệu định vị vườn trồng, bản đồ rừng tham chiếu vào mốc 31/12/2020 theo quy định của EUDR. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phù hợp để đảm bảo sinh kế cho 600.000 nông hộ sản xuất quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có một bộ phận sản xuất trên đất lâm nghiệp, đất gần rừng.

Sau hơn 1 năm thúc đẩy hợp tác công - tư từ các cấp Trung ương đến địa phương, tháng 12/2024, Việt Nam chính thức ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR. Nhóm Đối tác thích ứng EUDR đã thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu 130.000ha rừng và 136.000ha cà phê tại 4 huyện sản xuất cà phê lớn nhất tại Lâm Đồng và Đắk Lắk.

nong-nghiep-ben-vung-1-1735784023.jpg
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm xây dựng hướng dẫn thích ứng EUDR đối với ngành hàng cao su, cà phê và gỗ. (Ảnh minh họa)

Hành động tích cực của Việt Nam được Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đánh giá là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp bền vững. “Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc thực thi các quy định của EUDR. Tuân thủ quy định EUDR sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác”, bà Mara Grimminger - Đại diện Cơ quan truyền thông quốc tế, Tổng vụ Môi trường khẳng định.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm xây dựng hướng dẫn thích ứng EUDR đối với ngành hàng cao su, cà phê và gỗ, với sự tham gia của Cục Trồng trọt, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, các cơ quan nghiên cứu như Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế như GIZ, IDH, Forest Trends.

Các cơ quan cũng đang tích cực hợp tác xây dựng dự thảo Khung hướng dẫn thích ứng với EUDR cho doanh nghiệp ngành cà phê, cao su và gỗ. Khung hướng dẫn tập trung vào các bước cơ bản mà chủ rừng, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được khuyến khích cân nhắc khi triển khai thích ứng với EUDR. Trong đó bao gồm hướng dẫn thực thi các quy định về sản xuất hợp pháp và không gây mất rừng, thực hiện trách nhiệm giải trình và truy xuất nguồn gốc, các thông tin cần thu thập, đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh khung hướng dẫn chung cho doanh nghiệp, hướng dẫn cũng sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của các ngành hàng./.

Bình Nguyên