Lâm nghiệp là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế Tuyên Quang

Trong số hơn 11.200ha rừng trồng mới trong năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang, diện tích trồng rừng tập trung vẫn chiếm số lượng cao nhất với hơn 10.700ha, còn lại là trồng cây phân tán. Hiện, ngành lâm nghiệp tỉnh này đang đóng vai trò là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, đến nay tỉnh đã trồng được hơn 11.200ha rừng, vượt hơn 10% kế hoạch trồng rừng trong năm 2022. Trong số hơn 11.200ha rừng trồng mới trong năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang, diện tích trồng rừng tập trung vẫn chiếm số lượng cao nhất với hơn 10.700ha, còn lại là trồng cây phân tán.

Thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, năm nay tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng. Trong năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ cây giống chất lượng cao được hơn 2.000ha rừng với các giống keo lai mô, keo hạt ngoại và bạch đàn mô.

Hiện tổng diện tích rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước. Kinh tế rừng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân tại các địa phương ở Tuyên Quang.

Ông Lý Xuân Bình - Chi cục Trưởng Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác rừng, phá rừng trái phép, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng...

Bên cạnh đó, xác định phát triển lâm nghiệp bền vững phải bám sát các chủ trương, quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng của Trung ương, của tỉnh.

img-0300-1662544759.jpeg
Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước.

Được biết, tỉnh Tuyên Quang được đánh giá là “thủ phủ” rừng trồng chế biến gỗ, là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư, ngành lâm nghiệp Tuyên Quang đóng vai trò là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp, đi liền với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Điển hình như xã vùng cao Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa có 10/12 thôn nhận giao khoán rừng để bảo vệ với tổng diện tích 2000ha, địa phương đã thành lập Ban quản lý rừng của xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích khi tham gia bảo vệ rừng…

Bên cạnh đó, sau khi giao khoán diện tích rừng cần bảo vệ cho các thôn bản, xã cũng hướng dẫn và yêu cầu các thôn báo cáo bằng hình ảnh những chuyến đi tuần rừng; hằng tuần Ban quản lý rừng của xã cũng cử các thành viên trong Ban về các thôn để đi kiểm tra, tuần rừng cùng với tổ tuần rừng của thôn đó...

Công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã Hùng Mỹ được thực hiện tốt hơn, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Nhiều nơi, người dân sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ giao khoán bảo vệ rừng để xây dựng các công trình hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn… góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đặc biệt, trong hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, khai thác hợp lý quỹ rừng trồng, đảm bảo duy trì ổn định diện tích có rừng và tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%, nằm trong top đầu cả nước.

Thi Nguyên (t/h)