ESG là một bộ tiêu chuẩn về môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị doanh nghiệp (governance) trong quá trình vận hành của tổ chức. Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp lý tốt hơn, ít nhất dưới góc độ pháp luật về môi trường và lao động, quản trị.
Nếu chọn thực hành ESG, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa các chính sách “xanh” về môi trường, xã hội và quản trị vào thực hành, vào “hơi thở và nhịp sống” của doanh nghiệp. Từ đó kéo theo các chính sách, quy định nội bộ, các chiến lược và kế hoạch hành động phải thay đổi theo, trong đó tuân thủ pháp luật trong từng hoạt động cũng được cải thiện.
Đánh giá về vai trò của thực hành ESG đối với doanh nghiệp, tại tòa đàm "Xây lợi thế - Vững tương lai cùng "Sáng kiến ESG Việt Nam 2024", ông Trevor Hublin - Phó giám đốc Phòng Quản trị nhà nước và Tăng trưởng kinh tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, định nghĩa về một doanh nghiệp thành công đang có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn.
Tác động của ESG vượt ra ngoài khuôn khổ các chỉ số tài chính. Thông qua đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ hơn, ESG đóng vai trò là chất xúc tác giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi và giành được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn tài nguyên - ông Trevor Hublin nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, hiện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến ESG. Nhiều doanh nghiệp đã có những sáng kiến mới trong kinh doanh về bảo vệ môi trường; có những nghiên cứu đã được sản xuất ra sản phẩm liên quan đến tuần hoàn, thậm chí được công nhận trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số điểm sáng, còn rất nhiều thách thức phía trước để doanh nghiệp Việt Nam đạt được các tiêu chí về ESG.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: Thống kê cho thấy, nhiều quốc gia là đối tác giao thương quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững, thực hành ESG. Số lượng chính sách liên quan đến ESG ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần kể từ năm 2016.
Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam bàng quan thì việc "bơi" ra khu vực, chưa nói đến quốc tế ở môi trường rộng hơn là không tưởng. Nếu doanh nghiệp không cập nhật những quy định này thì cơ hội đóng lại ngay trước mắt.
Bên cạnh đó, với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, rất nhiều ngành hàng phát thải cao của Việt Nam đã phải bắt đầu báo cáo với châu Âu và trong 3 năm tới sẽ là câu chuyện áp dụng cơ chế thuế carbon trong khuôn khổ CBAM này.
Điều này có nghĩa các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu sang châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm ngang bằng với những doanh nghiệp sản xuất tại châu Âu. Nếu không tự hạ mức phát thải xuống thì sẽ phải gánh chịu khoản thuế tương đối lớn. Điều này gia tăng áp lực lên doanh nghiệp khi những quy định này trở nên bắt buộc.
Ngoài ra, Châu Âu cũng đưa ra quy định chống mất rừng tự nhiên EUDR. Quy định này ảnh hưởng tương đối lớn, thậm chí là nghiêm trọng đến những ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, gồm gỗ, cao su, cà phê.
Trong khi đó, Dự luật Cạnh tranh sạch của Mỹ khi được thông qua cũng sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chịu tác động hơn so với CBAM. Điều đáng nói Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Còn tại Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, những quy định bắt buộc chưa diễn ra, nhưng tín hiệu từ các nhà mua đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm đến các yếu tố có tính bền vững và thực hành ESG trong các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gia tăng. Những thị trường này bắt đầu có một số chuỗi yêu cầu những dòng báo cáo phải tích hợp các thông tin liên quan đến ESG trong quá trình cung ứng hàng.
Từ đó, theo Phạm Thị Ngọc Thuỷ, trước xu hướng này, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuyển động, không có thực hành về ESG phù hợp với diễn biến về chính sách của quốc tế và trong nước thì doanh nghiệp sẽ bị đóng cửa trước rất nhiều cơ hội./.