Thủ tướng: Sắp xếp bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo diễn biến tình hình, trên nguyên tắc sắp xếp bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giảm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp.

sap-xep-tinh-gon-bo-may-2-1736773766.jpg
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe báo tình hình, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và triển khai Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; Báo cáo tiến độ hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 còn 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ, giảm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ, tương ứng giảm 22,7%.

Giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ, còn 5 cơ quan thuộc Chính phủ gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.

Về tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau sắp xếp đã giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; Giảm 5191 cục và tổ chức tương đương; Giảm 2195 vụ và tổ chức tương đương; Giảm 3.3036 chi cục và tương đương chi cục và giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập.

sap-xep-tinh-gon-bo-may-1-1736773756.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)

Theo đó Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình.

Đề nghị các địa phương hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, các Bộ, ngành tiếp tục chủ động sắp xếp, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, ngành, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không còn phòng trong Vụ; đồng thời, rà soát, giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành, không duy trì đơn vị chuyên trách giúp việc tổ chức phối hợp liên ngành.

Tại báo cáo tiến độ hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Nội vụ cho biết, về tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ hiện đang có 19 đầu mối, sau khi sắp xếp còn 16 đầu mối, giảm 3 đầu mối, tương ứng giảm 15,8%.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Thanh tra Chính phủ trong thời gian rất ngắn, nhưng đã có đề án có tờ trình để Ban chỉ đạo cho ý kiến trong hôm nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính thì phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.  Thủ tướng cho biết, việc điều chuyển chức năng nhiệm vụ quyền hạn về cơ bản các thành viên Ban chỉ đạo đã thống nhất cao, nguyên tắc là không bỏ chức năng, nhiệm vụ và những công việc đã được xác định, đã được ổn định từ trước đến nay. 

Cùng với đó Thủ tướng lưu ý, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra ở các cấp thì phải xem xét xem để ở nơi đâu mà phát huy hiệu quả nhất hiệu nhất thì chúng ta sắp xếp, trên cơ sở là thứ nhất là để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị đó; Thứ hai, bộ máy tinh giản nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng; Thứ ba, việc cơ cấu sắp xếp lại bộ máy để nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

sap-xep-tinh-gon-bo-may-3-1736773831.jpg
Theo đó sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 còn 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ, giảm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ, tương ứng giảm 22,7%.(Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng cho biết, đối với thanh tra cấp cơ sở sẽ kết thúc chức năng nhiệm vụ của tổ chức thanh tra cấp huyện và cấp xã và chỉ tập trung cho thanh tra cấp tỉnh.

Sau khi cho ý kiến cụ thể từng vấn đề riêng, còn ý kiến khác nhau Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo diễn biến tình hình, trên nguyên tắc sắp xếp bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giảm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, cá nhân, tập trung thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đã đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện phải làm tốt công tác tư tưởng, không để gián đoạn công việc trong quyền hạn của mình, ảnh hưởng cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ và các cơ quan tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án và các văn bản có liên quan để báo cáo, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền./.

Bình Châu