Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo các nhà đầu tư. Đây là sự kiện do Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Kinh tế xanh và bền vững được xác định là ưu tiên hàng đầu
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung: vai trò của FDI trong bối cảnh mới; trách nhiệm của doanh nghiệp FDI thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; phản hồi chính sách của các bộ, ngành. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư phát triển bền vững.
Đồng thời, đại diện giới doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam cũng sẽ thảo luận về việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nhận thức vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, ESG nhằm hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển công nghệ cao, số hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển kỹ năng lao động.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 - một năm với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2023 về cơ bản ổn định, lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra, tăng trưởng được thúc đẩy và các định hướng lớn của kinh tế Việt Nam được đảm bảo.
Những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua không thể thiếu vai trò quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là minh chứng mạnh mẽ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác tại Việt Nam.
Trong giai đoạn phục hồi và phát triển của kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của kinh tế xanh và bền vững, được xác định là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng đến nhằm đạt được sự phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, chuyển mình và bắt kịp phát triển kinh tế của thế giới.
Nhận thức tầm quan trọng của tăng trưởng xanh với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và là nhân tố không thể thiếu trong phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, xanh hoá nền kinh tế… Định hướng tăng trưởng xanh là chìa khoá đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong tăng trưởng kinh tế xã hội hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định: Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng vừa là đối tượng vừa chủ thể chủ động tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh và bền vững. Với thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ, quản trị… doanh nghiệp FDI được trao thêm sứ mệnh mới: tiên phong đi đầu và dẫn dắt trong thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực tế những năm qua, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp thực hiện tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, đổi mới quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ cao, giảm thiểu rác thải, ứng dụng ESG… Tại diễn đàn, các doanh nghiệp chia sẻ những cam kết, kế hoạch, lộ trình thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh.
Thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược tăng trưởng xanh là trọng tâm
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức với nhiều biến động khó lường của tình hình thế giới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã bền bỉ, chủ động vượt qua mọi thách thức, tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển của kinh tế đất nước trong năm 2023.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. “Ví dụ từ năm 2022 đến nay, Việt Nam đưa vào khai thác thêm 730km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1900km, hiện Chính phủ đang dồn nguồn lực đầu tư công rất lớn cho đường cao tốc. Theo kế hoạch đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 3000 km và đến năm 2030 sẽ có 5000km đường cao tốc”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Với mức tăng trưởng GDP tương đối tích cực ở mức 5,05%, Chủ tịch VCCI cho biết quy mô GDP năm 2023 đã đạt 450 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới. Dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ ra nhập nhóm quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao.
Một dấu ấn quan trọng nữa của Việt Nam về đối ngoại là đã nâng tầm đối ngoại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với Trung Quốc…“Đây đều là những cường quốc hàng đầu thế giới, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho nhà đầu tư quốc tế”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Về đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký năm 2023 đạt kỷ lục trên 36 tỷ USD, tăng trên 32% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD cao nhất từ trước tới nay. Cộng đồng doanh nghiệp FDI tiếp tục lớn mạnh và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
Về đầu tư trong nước, vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt gần 2 triệu tỷ đồng năm 2023, tăng 2,7% so với năm 2022. Tổng số doanh nghiệp ra nhập và tái ra nhập 218 nghìn doanh nghiệp năm 2023, cao nhất từ trước tới nay.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung thì những thành quả nói trên là hết sức có ý nghĩa, là thành quả đáng tự hào của Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch VCCI cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã thường xuyên quan tâm, gặp gỡ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021- 2025, tại Nghị quyết 01/2024 Chính phủ đã xác định chủ đề năm nay là “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và đưa ra 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 12 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược tăng trưởng xanh.
“Chủ đề VBF năm nay có chủ đề Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh là một trong những hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ và sẵn sàng cùng Chính phủ hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đồng thời cho biết tại COP26 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cam kết quan trọng về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, VBF là dịp để cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đề xuất các giải pháp hiện thực mục tiêu tăng trưởng xanh này.
Đồng quan điểm, ông Nitin Kapoor, Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch kiêm TGĐ AstraZeneca Việt Nam nhấn mạnh, kể từ sau đại dịch, các doanh nghiệp đang tăng tốc và Việt Nam được công nhận là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.
“Chủ đề tăng trưởng xanh là về việc đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh, hạnh phúc của cộng đồng, đồng thời xây dựng các doanh nghiệp bền vững”, ông Nitin Kapoor nhấn mạnh. Đồng thời cho biết chúng ta đang ở trong một môi trường cạnh tranh đáng kinh ngạc được đánh dấu bằng thương mại, phân chia địa lý và căng thẳng địa chính trị.
Để đi trước đòi hỏi hệ thống pháp luật có các chính sách mạnh mẽ, đáng tin cậy và bền vững, cơ sở hạ tầng tốt và tất nhiên là lực lượng lao động tốt. Tất cả đều cần thiết để vận hành suôn sẻ và thu hút đầu tư liên tục tại Việt Nam.
“Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản, tuy nhiên đòi hỏi sự can đảm. Chúng tôi muốn phát triển hoạt động kinh doanh của mình theo hướng đưa thế giới đến một nơi tốt đẹp hơn, chú ý đến cách chúng ta ảnh hưởng đến hành tinh và con người. Đó là về sự công bằng và suy nghĩ về tương lai. Các chuyên gia sẽ cho ý kiến chia sẻ những gì họ nghĩ, cách họ nhìn nhận chúng ta đang tiến về phía trước và quan trọng là cần có sự hỗ trợ nào từ chính phủ và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, ông Nitin Kapoor nhấn mạnh./.