Tăng trưởng xanh và liên kết chuỗi tạo nền tảng bền vững cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, khó lường đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược thích nghi, linh hoạt và phát triển một cách bền vững. Trong đó tăng trưởng xanh và liên kết chuỗi là nền tảng giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với những biến động thị trường.
tang-truong-xanh-lien-ket-chuoi-01-1708741526.jpg
Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến vấn đề này. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp đổi mới tư duy tăng trưởng xanh

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, cũng là nước đã tham gia công ước quốc tế về vấn đề này. Do đó, việc thúc đẩy các DN chủ động, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý. Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy TTX.

Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn như trên, các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên-nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính… Đặc biệt, đối với các DN xuất khẩu, việc tuân thủ các quy định của thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định về môi trường và xã hội, là yêu cầu bắt buộc. Điều này đòi hỏi các DN hiểu rõ yêu cầu của thị trường và chuỗi cung ứng để thay đổi, điều chỉnh hoạt động đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam cho biết, phát triển bền vững sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển lâu dài. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy, kinh doanh tạo ra những giá trị mới không chỉ về kinh tế, mà kinh doanh còn tạo ra những giá trị nhân bản về mặt xã hội và kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.

"VCCI đã đưa ra một bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, đây là một bộ chỉ số đầu tiên ở Việt Nam để đo lường tính bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể soi vào đó để thấy mức độ bền vững của mình trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực về xã hội, môi trường như thế nào… Do đó, danh nghiệp nếu muốn phát triển một cách bền vững, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất của mình cần phải thực hiện theo xu thế đó" - ông Vinh cho biết.

tang-truong-xanh-lien-ket-chuoi-02-1708741499.jpg
Phát triển theo tiêu chuẩn xanh bền vững sẽ là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng xanh cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược này, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa đưa kinh tế xanh đạt được mốc 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Với tiềm năng, vị thế kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình. Cùng với đó, Việt Nam cần có những bước đi đột phá quyết liệt hơn, trong đó cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất để giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên. Từ đó vươn lên trở thành một nước phát triển trên cả 3 yếu tố là: Môi trường, kinh tế, xã hội, 3 nội dung này phải phát triển hài hòa và cân bằng".

Liên kết chuỗi nâng cao năng lực doanh nghiệp xuất khẩu

Theo số liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí, trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu chỉ liên kết như hiện nay chỉ dừng ở quy mô nhỏ. Chúng ta có động lực hợp tác, liên kết và phát triển nhưng không có nguồn lực, chính sách hỗ trợ chưa trúng nên liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn lỏng lẻo.

Theo ông Cung, chúng ta phải tư duy lại cách tiếp cận, phải làm một nghề có thể cung ứng cho tất cả chứ không phải phụ thuộc vào EU hay Hoa Kỳ. Do đó, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến việc cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn hơn. Trên cơ sở đánh giá lại năng lực, thế mạnh để tập trung sản xuất sản phẩm của mình để cung ứng cho chuỗi, tạo thành mắt xích của chuỗi một cách bền vững.

tang-truong-xanh-lien-ket-chuoi-03-1708741590.jpg
Cần có động lực hợp tác, liên kết và phát triển liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI. (Ảnh minh họa)

Trước dự báo, tình hình kinh tế năm nay vẫn còn nhiều thử thách và rủi ro, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các văn bản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các giấy phép cũng như các quy định quá chặt chẽ, không hợp lý. Đặc biệt, phải tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng để doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động.

“Các doanh nghiệp phải tổ chức liên kết kinh doanh theo ngành dọc để tạo ra khối lượng lớn trong sản xuất những đơn hàng lớn, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo ra liên hệ ngang với các ngành nghề khác, để từ đó có thể có được những nguyên nhiên vật liệu phụ tùng có chi phí hợp lý. Đặc biệt là có thể nội địa hóa được nguồn nguyên nhiên vật liệu thì chi phí sản xuất sẽ giảm đi và chất lượng hàng hóa sẽ nâng lên”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kỳ vọng thời gian tới: “Chúng ta phải xây dựng các giải pháp chiến lược liên kết chuỗi toàn nền kinh tế xã hội của đất nước, để sử dụng các sản phẩm của nhau. Như doanh nghiệp chúng tôi đang sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu, song có một thực tế một số doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm đó về Việt Nam - thì đây là một vấn đề đang rất rời rạc. Cho nên chúng ta cần quy định hướng hoạch định liên kết chuỗi một cách toàn diện trong hệ thống nền kinh tế đất nước”./.

Bình Châu