Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024 tổ chức ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của người nông dân liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp; trong đó nhấn mạnh, các bộ, ngành cần nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Cụ thể, đặt câu hỏi tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết, bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tại Hội nghị này, bà Hoàng Thị Gái đã nêu câu hỏi về một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.
Thứ hai, Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.
Thứ ba, sau thiên tai, nông dân mới thấy, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Trả lời câu hỏi của nông dân Hoàng Thị Gái, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị với 26 tỉnh, thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất cho rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng...
Ông Đào Minh Tú cho biết, những khoản nợ, lãi sẽ được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế. Ngoài chính sách chung có những chính sách rất cụ thể về hỗ trợ vốn cho bà con, cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, không được thụ hưởng chính sách công khai này, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đón nhận các ý kiến, đề xuất để chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một cách tốt nhất, để đưa chính sách đến các đơn vị thụ hưởng...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nếu gặp vấn đề gì nông dân có thể gặp Bộ trưởng, các cấp chính quyền để tư vấn cho bà con, tuy nhiên phải lập được kế hoạch, từ kế hoạch đó mới tính toán ra được nguồn lực, nhà kho, nhà xưởng, quy mô đất đai, thị trường ở đâu, liên kết doanh nghiệp nào...
“Bà con cũng cần nâng cao năng lực cùng với Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để thực hiện”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cuộc đối thoại cần mang tính tương tác nhiều hơn và bày tỏ mong muốn, các đại biểu Hội Nông dân không chỉ đặt câu hỏi mà từ thực tiễn sản xuất của mình, phản ánh chính sách phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp, băn khoăn, trăn trở gì. Ví dụ, chính sách bảo hiểm chưa phù hợp thì ở điểm nào, giải quyết thế nào và ai giải quyết. Không chỉ hỏi, đặt vấn đề mà cần hiến kế cho Chính phủ, đề xuất những giải pháp xuất phát từ thực tiễn sản xuất.
Từ các câu hỏi của người nông dân, Thủ tướng chỉ định lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp trả lời vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt. Ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp - lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
"Sau bão chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng, theo đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống thực tế giúp nông dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ./.
Gần 3.000 ý kiến, kiến nghị, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như: chuyên mục "Lắng nghe nông dân", qua báo cáo của các tỉnh, thành Hội… thì trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua để lắng nghe ý kiến trực tiếp của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước. Thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay mà như Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải hình thành được gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên tham gia.
Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cuối cùng là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.