Hàng vạn người lìa trần gian, không khí nặng nề bao trùm khắp thế giới. Việt Nam không nằm ngoài không khí ấy. Có thể nói đấy là thời kỳ rất khó khăn đặc biệt về kinh tế và an sinh xã hội. Trong khó khăn mới phát lộ mặt tối, sáng của thời cuộc và thế thái nhân tình. Nhân dân ta đã luôn tin tưởng ở cách điều hành chống dịch của đảng và nhà nước. Cư dân từng làng, từng xã, từng khu phố… đoàn kết, bình tĩnh động viên nhau vượt qua khó khăn và luôn tin sẽ chiến thắng.
Trong cuộc chiến này với dịch, bệnh này đã có những tập đoàn kinh tế góp hàng trăm tỷ cùng nhà nước chống dịch, có những bà mẹ 80 tuổi góp những cân gạo, những mớ rau xanh giúp người bị cách ly, có những em bé đập “lợn tiết kiệm” góp thêm kinh phí cho chống dịch. Những tin nhắn ủng hộ, những ngày lương công chức, viên chức, người có tiền góp tiền, người có của góp của… Tất cả dồn cho chống dịch. Bằng tất cả nỗ lực của toàn xã hội, chúng ta đã kìm hãm được sự lây lan, đến phút này chưa có người tử vong vì dịch là một sự thắng lợi không chỉ của ngành y tế mà là chiến công của toàn xã hội.
Bên cạnh mảng sáng đó chúng ta thấy hiện ra khoảng tối, có người trốn cách ly, có người không tuân thủ các quy định chống dịch, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, chống cả người thi hành công vụ. Đây là biểu hiện vô ý thức, vô trách nhiệm trước cộng đồng. Thậm chí có ông cán bộ cấp huyện phản ứng một cách mà ai cũng nghĩ “không hiểu tại sao”? chứng tỏ ông chẳng bao giờ đọc báo, nghe đài nên không cập nhật thông tin, không hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Còn nữa, các xuất quà cho người nghèo, người cơ nhỡ, ATM gạo cho những đối tượng thật sự khó khăn cũng bị lạm dụng, có người vòng lại ATM gạo miễn phí đến 3 lần, có người mang bao tải đến vét các xuất quà từ thiện. Đây là gì vậy? nói thẳng ra nó là lỗ hổng của đạo đức, của nhân cách. Đi xe SH mặc quần là áo lượt đến lấy hàng từ thiện bị nhắc nhở lại chống chế: - Mang về cho hàng xóm!...
Qua mặt tối này của thời đại dịch chúng ta thấy tầm văn hóa, văn minh của chúng ta đang có vấn đề, cách đây vài năm chúng ta đã chứng kiến người Nhật trong thảm họa sóng thần, mất mát thế, đau thương thế họ vẫn xếp hàng trật tự và nhận khẩu phần ít ỏi của mình, không ai chen lấn, xô đẩy, không ai lấy lạm phần người khác. Tầm văn hóa ấy tạo nên nhân cách người Nhật chăng? Chỉ điều ấy thôi đủ cho thế giới ngưỡng mộ.
Bài học nào cho chúng ta về giáo dục, về tuyên truyền qua mùa dịch này?