Biến ruộng hoang thành ao nuôi ốc nhồi, cho thu nhập ổn định

Qua mạng xã hội, anh biết đến mô hình nuôi ốc nhồi. Nhờ chịu khó, tích cực lao động, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã sớm bắt nhịp và thành công với mô hình này, với quy mô hơn 2 mẫu. Anh là Nguyễn Văn Luận (SN 1982, trú tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Thị trường ổn định

nuoi-oc2-1650804201.jpg
Anh Luận luôn túc trực ngoài trang trại

Hôm chúng tôi có mặt ở trang trại, anh Luận đang tranh thủ thu hoạch trứng ốc. Anh bảo, sau mấy tháng ngủ đông, ốc bố mẹ bắt đầu bước vào thời kì sinh sản. Nửa tháng trở về đây, trang trại đã thu hoạch được hơn 10kg trứng ốc, bán với giá 1,2 - 1,3 triệu đồng/kg, tùy vào từng thời điểm. Giá trứng ốc cao, do nguồn cung còn ít.

“Cách đây 1 tháng, trang trại tiến hành thu dọn sạch bèo tây ở các ao nuôi, vệ sinh lại môi trường nước sau thời gian dài ốc ngủ đông. Hiện tại, thời tiết đang chuyển mùa, chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, cũng là lúc ốc bước vào thời kì đẻ trứng…”, anh Luận chia sẻ.

Vừa thu hoạch trứng ốc, anh Luận vừa tâm sự: Khu vực trang trại nuôi ốc nhồi của gia đình anh trước đây là cánh đồng lúa 2 vụ. Tuy nhiên, canh tác không hiệu quả nên người dân bỏ hoang. Nhìn những thửa ruộng hoang vu, cỏ mọc um tùm, anh Luận không khỏi xót xa.

nuoi-oc3-1650804239.jpg
Trứng ốc sau khi thu được đưa được vào thùng ấp để giữ ẩm

Năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Luận thuê lại ruộng hoang của bà con nông dân để nạo vét và cải tạo thành những ao nuôi cua đồng. Song, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn cua phát triển kém; không mang lại hiệu quả kinh tế. Bán hết lứa cua thương phẩm đầu tiên thì anh Luận dừng hẳn.

Vậy anh chuyển hướng nuôi ốc nhồi từ khi nào, tôi hỏi. “Đầu năm 2020, qua mạng xã hội, tôi biết đến mô hình nuôi ốc nhồi đang phát triển mạnh ở khu vực miền Bắc, nên đã mày mò, tìm kiếm thông tin, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi loài thủy sản này”, anh Luận bật mí.

Thời gian đầu, nuôi ốc nhồi có gặp khó khăn gì không?, tôi hỏi tiếp. Anh Luận đáp: “Những ngày đầu, tôi luôn túc trực ngoài trang trại, thời gian ở ngoài ao nhiều hơn ở nhà. Với mục đích, tìm hiểu tập tính sinh trưởng của ốc nhồi.

Nhờ vậy, trong quá trình nuôi ốc, trang trại không xảy ra sự cố dịch bệnh nào; đàn ốc lớn nhanh như thổi, con nào con nấy đồng đều, nhìn hút mắt. Sau 3 tháng nuôi, thì lứa ốc đầu tiên cũng cho thu hoạch”.

Để duy trì sản xuất, anh Luận quyết định bán 400kg ốc thương phẩm cho thương lái, còn lại gây thành ốc bố mẹ nhằm nhân giống, phục vục cho kế hoạch mới. Mặc dù, trang trại nuôi ốc nhồi của anh Luận mới đi vào hoạt động được 2 năm nay nhưng đã cho thu nhập ổn định. So với mô hình nuôi cá truyền thống, cua đồng thì mô hình ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

nuoi-oc1-1650804259.jpg
Anh Luận ví những bụi hoa súng là những mái nhà che nắng cho đàn ốc

Anh Luận chia sẻ, hằng năm trang trại duy trì khoảng 15.000 ốc bố mẹ và hơn 15 vạn ốc giống. Trung bình, mỗi tháng tính từ lúc thu hoạch rộ, trang trại cung ứng ra thị trường từ 80 - 100kg trứng ốc và 5 - 7 vạn ốc giống.

“Như năm ngoái, thời điểm chính vụ, trứng ốc được bán với giá 500.000 đồng/kg và 2,5 triệu đồng/vạn ốc giống. Thị trường tiêu thụ của trang trại chủ yếu trong và ngoài tỉnh”, anh Luận thổ lộ.

Bí quyết chống nắng

Hướng mắt về đàn ốc đang bâu kín miếng bầu thái mỏng (quả bầu được thái mỏng, làm thức ăn cho ốc - PV), anh Luận cho hay, ốc nhồi là loài thủy sản dễ nuôi, dễ chăm sóc; sức đề kháng cao. Mật độ nuôi dao động từ 80 - 100 con ốc bố mẹ/m2, cũng có thể nuôi hơn tùy vào kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc của mỗi người.

Tuy nhiên, ốc nhồi chịu nóng kém, do đó người nuôi phải có biện pháp chống nắng. Với trang trại của gia đình anh Luận, thì anh áp dụng chống nắng bằng các phương pháp thủ công như treo lưới chống nắng; dưới ao kết hợp trồng hoa súng và thả nhiều bèo tấm.

“Nhờ áp dụng các phương pháp chống nắng này mà đàn ốc của trang trại sống khỏe qua mùa hè gay gắt. Tôi thường ví những bụi hoa súng như những mái nhà di dộng, là nơi nghỉ mát, nơi trú ngụ của đàn ốc mỗi khi nhiệt độ lên cao”, anh Luận dí dỏm.

Rẽ từng bụi khoai ở đầu bờ, chỉ tay về phía con ốc mẹ đang tạo buồng trứng, anh Luận nói: Ốc bắt đầu đẻ trứng từ tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 10 Âm lịch. Chúng chủ yếu đẻ vào ban đêm và sáng sớm ở khu vực bờ ao có khoảng trống. Trung bình mỗi buồng trứng dao động từ 80 - 150 quả.

nuoi-oc4-1650804277.jpg
Một con ốc mẹ đang đẻ trứng

“Sau khi ốc đẻ trứng vào ban đêm thì sáng hôm sau phải tranh thủ đi nhặt trứng cho vào khay nhựa và đưa vào thùng ấp để giữ ẩm với nhiệt độ từ 28 - 30°C. Trong quá trình ấp, thường xuyên phun nước giữ ẩm cho các buồng trứng. Thông thường sau 15 - 20 ngày ấp thì trứng ốc sẽ nở hoàn toàn và thoát ra khỏi buồng trứng”, anh Luận cho hay.

Theo anh Luận, khi tỷ lệ trứng nở đạt 100% thì đưa ốc con từ trong thùng ấp ra tráng lưới để nuôi, cho ốc làm quen với môi trường nước tự nhiên. Chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 15 ngày, khi ốc to hơn đầu đũa là có thể xuất bán con giống cho khách hàng.

Khi được hỏi về nguồn thức ăn cho ốc nhồi, anh Luận chia sẻ, thức ăn chủ yếu là mướp, bí ngô, đu đủ, lá khoai - đây là những thứ thức ăn dễ tìm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, không mất nhiều chi phí. Ngày cho ốc ăn 1 lần, vào thời điểm chiều tối.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc ốc nhồi, anh Luận thổ lộ: Trước khi vào vụ mới, nguồn nước cần được xử lý sạch bằng men vi sinh để hạn chế dịch bệnh, giúp ốc sinh trưởng nhanh. Ngoài ra, vào những lúc thời tiết mưa to, nguồn nước bị thay đổi, ốc dễ sốc nhiệt nên cần phải xử lý nguồn nước sau khi trời tạnh.