Bỏ nghề lái tàu... bén duyên với những chú chim "khổng lồ"
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nông thôn nghèo huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, anh Trần Hữu Mạnh từng làm nghề lái tàu thủy, quanh năm suốt tháng phải sống xa gia đình, vợ con, mỗi năm được về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều đêm anh trằn trọc suy nghĩ cuộc sống cứ mãi xa vợ con như thế này thì không ổn, mong muốn lớn nhất của anh lúc bấy giờ là có một công việc ổn định ở quê nhà.
Trong một lần tình cờ được đi tham quan mô hình chăn nuôi đà điểu ở miền Nam, biết đà điểu dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định từ bỏ công việc lênh đênh trên biển với mức lương "khủng" trở về quê lập nghiệp, khiến nhiều người vẫn bảo đó là ý tưởng "rồ dở".
Nhấp chén chè nóng anh kể, qua quá trình tự học tập, nghiên cứu về tập tính của đà điểu, anh bắt tay vào xây dựng mô hình chuồng trại từ nguồn vốn tích góp của hai vợ chồng.
Ban đầu, anh Mạnh mua 20 con đà điểu giống về nuôi thử với tổng chi phí khoảng 60 triệu đồng và sau một năm xuất bán thịt thương phẩm anh thu lãi được gần hơn 30 triệu đồng. Những tín hiệu tích cực đó đã tăng thêm niềm tin để anh tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại quyết tâm gắn bó với mô hình nuôi loài chim "khổng lồ".
"Sau một thời gian ngắn kiên trì nuôi thử quy mô đàn nhỏ, nhận thấy kỹ thuật nuôi đà điểu không khó, phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình và cũng là tính con đường phát triển kinh tế lâu dài. Từ năm 2019, tôi quyết định đầu tư xây dựng lại chuồng trại với quy mô hơn 14.000m2, mua 100 con đà điểu trưởng thành. Tổng cộng các khoản đầu tư ban đầu cho trang trại nuôi đà điểu là hơn 1 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm chăn nuôi, đến nay, đàn đà điểu của gia đình tôi có trên 400 con cả thương phẩm và bố mẹ, có lò ấp trứng, thu nhập cũng ổn định...", anh Mạnh vui vẻ khoe.
Theo anh Mạnh, đặc tính của đà điểu như nuôi con gà, lúc còn nhỏ cho ăn cám, khi đà điểu được khoảng 6 tháng tuổi thì bắt đầu xay ngô trộn với bã bia, cỏ, lá, lá chuối, thóc rồi bỏ vào máng cho đà điểu ăn dần. Loài chim đà điểu không như nuôi các loài gặm nhấm, nên thức ăn, cỏ cần phải cắt nhỏ…
Nói chuyện về chú chim "khổng lồ", anh Mạnh chia sẻ kinh nghiệm: "Trong quá trình chăm sóc phải tiêm phòng dịch bệnh theo đúng định kỳ, hôm nào, thời tiết nắng nóng phải cho đà điểu uống giải nhiệt, còn ngày bình thường thì trộn với men tiêu hóa, cỏ thái nhỏ ra cho đà điểu ăn".
Cũng theo anh Mạnh, đà điểu có sức đề kháng rất tốt nhưng chúng rất dễ bị kích động trước màu sắc sặc sỡ. Vì vậy, khu vực nuôi đà điểu tốt nhất cần cách ly với khu vực ồn ào bên ngoài; địa hình cần rộng, bằng phẳng để chúng tự do đi lại không bị gãy chân; nếu vây bằng thép B40 thì phải đảm bảo để chúng không bị vướng vào thép gây rách da, chảy máu, thậm chí còn chết.
"Chú chim "khổng lồ" ở miền Bắc khó nuôi, không đạt được kết quả mong muốn như trong Nam. Vì thời tiết ở mình rét, khi trời chuyển lạnh, thì đà điểu cũng ngừng sinh sản nên cũng ảnh hưởng không nhỏ cho người nuôi. Đồng thời, chăn nuôi đà điểu cần phải làm chuồng thông thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông, cứ 1 năm là lại phải đảo cát lên và rắc vôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để tránh gây bệnh", anh Mạnh bật mí.
Ngoài việc trồng cỏ, ngô tự cung tự cấp thức ăn, anh Mạnh còn thu mua các phụ phẩm nông nghiệp trong vùng để phục vụ chăn nuôi.
Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi chim "khổng lồ"
Để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài việc biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đà điểu, anh Mạnh có duyên và đam mê với loài chim "khổng lồ" châu Phi này. Mô hình chuồng trại chăn nuôi đà điểu của anh được xây dựng một cách khép kín, rất ít khi phải sử dụng lao động chân tay, nhưng vẫn đáp ứng được quy trình chăn nuôi.
Thịt đà điểu thương phẩm đang được anh Mạnh bán với giá dao động từ 90 -100 nghìn đồng/1kg thịt hơi. Anh Mạnh cung cấp thịt đà điểu cho thị trường chủ yếu tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn và các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam…
Đến nay, mô hình chăn nuôi đà điểu của gia đình anh Mạnh "bỏ túi" 700 triệu đồng/năm trừ mọi chi phí. Trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 -10 lao động với mức thu nhập từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả từ phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt là từ mô hình chăn nuôi đà điểu của anh Trần Hữu Mạnh đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của người lái tàu cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ cho các hộ nông dân trong và ngoài xã về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Nói về dự kiến trong trong tương lai, anh Trần Hữu Mạnh cho biết, rất mong muốn được sự quan tâm của các cấp, các ngành có liên quan. Đặc biệt, Sở NN – PTNT, Hội Nông dân thành phố Hà Nội hỗ trợ về nguồn vốn, diện tích đất, kỹ thuật để mở rộng quy mô từ 14.000m2 lên tới hơn 20.000m2.
Trò chuyện với PV, bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội chia sẻ: "Tôi đánh giá rất cao về mô hình nuôi đà điểu của hộ gia anh Mạnh. Với những lợi thế mang lại, nếu phát triển số lượng lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi lợn, gia cầm.
Do đó, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Ba Vì cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nguồn vốn vay thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân cho những hộ hội viên có kỹ thuật và mặt bằng phù hợp chuyển sang chăn nuôi đà điểu thay thế loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp. Từ đó, từng bước xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng trên đồng đất quê mình".