Cua và chạch đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn dân dã. Hiện nay, do việc đánh bắt quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua, chạch đồng trong tự nhiên rất ít. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn và giá thành ngày một tăng cao, Ban giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lãng, xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đầu tư gần 1 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích 2,2 mẫu cấy lúa kém hiệu quả.
Để triển khai mô hình, Hợp tác xã cải tạo bùn chân ruộng, gia cố các bờ ruộng, ngăn các bờ ruộng với bên ngoài bằng các tấm tôn sắt cao 1m. Sau đó, bơm nước, thả thêm bèo tây để tạo môi trường sống cho cua, chạch. Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cua, chạch, Hợp tác xã xây dựng thí điểm 500m2 chuồng trại nuôi giun quế. Với lợi thế là địa phương nông nghiệp nên nguồn thức ăn để nuôi giun quế rất dồi dào, dễ thu mua như các phế phẩm nông nghiệp, phân trâu bò. Hiện nay, Hợp tác xã cũng đã bắt đầu thả giun giống trong các chuồng nuôi.
Còn tại thị xã Sơn Tây, nhiều người dân ở đây đã biến những đồi ngô đồi sắn thành vùng trồng sâm Bố Chính quy mô lớn. Một trong những người đi tiên phong trồng sâm Bố Chính tại khu vực phải kể tới bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ) với quy mô 5ha.
Mô hình trồng sâm Bố Chính được hợp tác xã trồng theo quy trình hữu cơ, có ứng dụng một phần công nghệ cao ở những công đoạn tưới nước, ươm giống. Theo bà Nhung, thời vụ trồng sâm bắt đầu vào mùa xuân, đến tháng thứ 9 được thu hoa, đến mùa xuân năm sau được thu củ. Cả lá, hoa và củ sâm Bố Chính đều có thể chế biến thành thực phẩm chức năng, bồi bổ sức khỏe. Theo ước tính, khi thu hoạch trọn 1 vụ, mỗi ha sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ có vậy, cánh đồng sâm rực rỡ sắc màu còn tôn lên vẻ đẹp của làng quê, có thể hình thành du lịch sinh thái.
Những người dân thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh thường nhắc về chị Nguyễn Thị Trang với tên gọi "chị Trang măng tây xanh". Từ năm 2013, chị Trang là người đầu tiên trồng măng tây xanh trên vùng đất bãi huyện Gia Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với tổng diện tích trang trại 4,5ha, chị Trang dành 2ha trồng măng tây xanh và coi đây là loại cây phát triển kinh tế chủ lực, ngoài ra còn trồng cà rốt, các loại cây hoa màu có giá trị cao, nuôi bò và thả cá. Bình quân mỗi ha măng tây của chị Trang đem lại sản lượng từ 70-80kg/ngày, với giá bán 60.000 đồng/kg, mang lại khoản thu 4-5 triệu đồng/ngày.
Không chỉ làm giàu cho mình, năm 2014, chị Trang còn liên kết 8 hộ dân khác thành lập HTX măng tây xanh Thái Bảo. Với vai trò là người đứng đầu HTX, chị Trang đã chủ động phối hợp với Hội ND xã giúp đỡ các thành viên về vốn, quy hoạch diện tích, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng măng tây xanh theo chuẩn VietGAP.
Sản phẩm măng tây xanh của HTX đã được chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Hiện HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định ở Hà Nội, Hải Dương…
Cũng đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng ông Nguyễn Bá Phấn (ở thôn Vạn Ty) lại đầu tư nuôi các loại con đặc sản như chim công, ba ba gai, ếch, rắn hổ mang, thỏ… mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Mô hình làm giàu từ nông nghiệp hiện đang là xu hướng được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Bạn có thể học cách làm giàu từ nông nghiệp bằng nghề chăn nuôi gia súc gia cầm theo mô hình trang trại, nuôi bò lấy sữa, kết hợp trồng cây hiếm, nuôi trồng thủy hải sản… Đã có rất nhiều người sau khi khởi nghiệp đã trở thành “triệu phú nhà nông”, với thu nhập bình quân mỗi tháng vài trăm triệu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tích cực hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số đặc sản có tiếng; phát triển thương hiệu cho một số vật nuôi là đặc sản địa phương; đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời nghiên cứu thị trường, dự báo sản lượng bảo đảm ổn định sản xuất.